Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, thời gian gần đây, thị trường năng lượng thế giới diễn biến rất phức tạp, giá năng lượng tiếp tục bị đẩy lên mức rất cao. Với tác động của biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino gây ra tình trạng hạn hán, thiếu nước kéo dài, làm cho lưu lượng nước về các hồ thủy điện trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam đều giảm mạnh so với cùng kỳ nhiều năm trước, ảnh hưởng lớn đến khả năng phát điện của các nhà máy thuỷ điện.
Tính đến ngày 11/5, tất cả 12/12 hồ thủy điện lớn khu vực miền Bắc có lưu lượng nước về hồ rất kém, tần suất nước về nhiều hồ kém nhất trong 100 năm qua. Riêng tháng 4 và đầu tháng 5, nước về các hồ chỉ đạt dưới 50% trung bình nhiều năm, một số hồ chỉ đạt 20% so với trung bình nhiều năm, gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện. Bên cạnh đó, công suất và sản lượng của các nhà máy điện gió cũng suy giảm sâu do điều kiện gió kém nên khả năng phát điện hiện nay chỉ đạt 5,6% so với công suất lắp đặt của các nhà máy.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại chương trình.
Thời tiết nắng nóng gay gắt đang diễn ra trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt tập trung tại khu vực miền Bắc và miền Trung, dẫn tới nhu cầu sử dụng điện đang tăng cao. Phụ tải toàn hệ thống điện quốc gia ngày 19/5/2023 vừa qua đã tăng lên mức kỷ lục mới ~924 triệu kWh/ngày, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 10,5% so với cùng kỳ tháng 5/2022; công suất tiêu thụ cực đại đạt 44.600 MW, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 8,5% so với cùng kỳ tháng 5/2022.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, bên cạnh việc quyết liệt thực thi những giải pháp để tăng cường khả năng sản xuất, cung ứng điện thì việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả được xem là một trong những giải pháp quan trọng, cấp bách, góp phần bảo đảm đủ nguồn điện cho phát triển kinh tế và đời sống xã hội thời gian tới.
“Bộ Công Thương kêu gọi các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các hộ gia đình và mọi tầng lớp nhân dân trên toàn quốc hãy đồng tình ủng hộ, chung tay chia sẻ khó khăn với ngành Điện, tăng cường thực hiện đồng bộ, triệt để các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là trong giai đoạn mùa khô (từ nay đến ngày 30/6/2023)”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Theo đó, đại diện Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế huy động các thiết bị, máy móc có công suất tiêu thụ điện lớn vào giờ cao điểm, đồng thời chú trọng lắp đặt các nguồn năng lượng tái tạo sử dụng tại chỗ để giảm tiêu thụ điện từ lưới điện quốc gia.
Đối với các hộ gia đình và người dân thường xuyên thực hành thói quen sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, như: Tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng, thay thế, sử dụng các trang thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm điện; hạn chế sử dụng các thiết bị điện có công suất lớn trong các giờ cao điểm…
Cùng với đó, Bộ Công Thương kêu gọi các bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc biểu đồ sử dụng điện của từng ngành, lĩnh vực, nhất là các hộ sử dụng điện lớn.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, Bộ đặt mục tiêu trong giai đoạn 2023-2025, phấn đấu hằng năm, toàn quốc tiết kiệm tối thiểu từ 2,0% tổng điện năng tiêu thụ quốc gia; Giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025; Giảm công suất đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phụ tải điện (DR), ít nhất 1.500 MW vào năm 2025.
Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động phong trào tiết kiệm điện năm 2023.
Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Trần Đình Nhân cho hay, hiện nay, các nhà máy thuỷ điện tiếp tục bị suy giảm công suất do mực nước thấp cùng với một số nguồn nhiệt điện cũng bị giảm công suất do nắng nóng nên khả dụng nguồn của hệ thống điện Quốc gia/miền Bắc chỉ khoảng 42.000/19.000 MW (cao điểm chiều), 39.200/18.000 MW (cao điểm tối).
Để đảm bảo cung ứng điện, Tập đoàn đã phải huy động các nguồn nhiệt điện chạy dầu DO+FO. Hiện nay hệ thống điện đã không còn công suất dự phòng. Mặc dù, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đã triệt để khai thác tiết kiệm thủy điện nhưng tính đến ngày 21/5/2023 sản lượng còn lại trong hồ toàn hệ thống là 2,911 tỷ kWh, thấp hơn 1,726 tỷ kWh so với kế hoạch năm (miền Bắc thấp hơn 1,033 tỷ kWh, miền Trung thấp hơn 435,6 triệu kWh, miền Nam thấp hơn 258 triệu kWh).
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp cấp bách để đảm bảo cung ứng điện như làm việc với các Tập đoàn TKV, Tổng công ty Đông Bắc, PVN để cung cấp than, khí, dầu cho vận hành các nhà máy điện. Cùng với đó, đàm phán với các chủ đầu tư các dự án điện gió, mặt trời đã đủ điều kiện để phát điện ngay lên lưới điện quốc gia. Đặc biệt, tăng cường nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc và báo cáo các chủ tịch các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo công tác sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả góp phần đảm bảo cung ứng điện trên địa bàn.
“Đến ngày 21/5 đã có 27 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành các văn bản chỉ đạo đảm bảo cung ứng điện, tiết kiệm điện trên địa bàn. Trong những ngày vừa qua, các Công ty Điện lực đã làm việc với các Sở, Ban, ngành địa phương, các khách hàng sử dụng điện để triển khai một loạt các giải pháp tiết kiệm điện, trung bình mỗi ngày các biện pháp trên đã góp phần giảm nhu cầu sử dụng điện khoảng hơn 5,9 triệu kWh/ngày (trong đó chiếu sáng công cộng tiết kiệm được khoảng 900 nghìn kWh/ngày) và mức tiết kiệm có xu hướng tăng thêm trong thời gian tới”, Tổng giám đốc EVN cho hay.
Cũng tại hội nghị, Bộ Công Thương, EVN đã tổ chức Nghi thức phát động phong trào tiết kiệm điện năm 2023 thể hiện sự chung tay của Bộ ngành, người dân, cộng đồng, doanh nghiệp nhằm đạt mục tiêu tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện, hướng tới một tương lai xanh và phát triển bền vững.
Theo TTXVN/Báo Tin tức