Tại buổi kiểm tra, đơn vị Chủ đầu tư-Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo tiến độ, tình hình thực hiện dự án, đánh giá cụ thể việc đảm bảo yêu cầu tiến độ đề ra của từng đơn vị thi công trong thời gian qua. Theo đó, gói thầu số 42 do công ty Cổ phần Tư vấn và Xây lắp 368 thực hiện đã thi công vượt khối lượng cam kết trong tiến độ; gói thầu số 22 do nhà thầu Tập đoàn Cường Thịnh Thi thi công không đạt khối lượng cam kết tiến độ, đập bê tông vai trái ngừng thi công từ ngày 9/3 đến nay, trong khi khối lượng đất đắp đập và bê tông còn lại rất lớn; gói thầu số 23 do Công ty TNHH TMXD Sơn Long Thuận thi công đã hoàn thành kênh thông hồ, nền đường thi công, 80% nhà quản lý và 90,22% đập phụ 1; hiện đang khai thác đất đắp lõi tại mỏ vật liệu VI. Tuy nhiên vẫn chưa đạt khối lượng cam kết trong tiến độ. Khó khăn của dự án hiện nay là phát sinh chi phí bồi thương giải phóng mặt bằng khoảng 17,5 tỷ đồng và nguồn vốn còn lại của dự án chưa được bố trí để thanh toán khối lượng thực hiện của nhà thầu. Tập đoàn Cường Thịnh Thi đang gặp khó khăn về tài chính, không thật sự quyết tâm triển khai thi công xây lắp.
Đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra đôn đốc tiến độ thực hiện dự án Hồ chứa nước Sông Than.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh đây là dự án trọng điểm, tỉnh rất quan tâm, có chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai thực hiện, nhưng hiện nay dự án vẫn gặp một số khó khăn, chậm tiến độ. Thời gian tới các đơn vị nhà thầu cần phải thực hiện quyết liệt hơn nữa, tích cực đồng hành và phối hợp tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện dự án, tạo niềm tin cho tỉnh và đơn vị chủ đầu tư. Các đơn vị tư vấn giám sát phát huy tinh thần trách nhiệm, chia sẻ khó khăn cùng với chủ đầu tư giám sát tiến độ và chất lượng công trình. Trong công tác giải phóng mặt bằng còn gặp một số vướng mắc, huyện Ninh Sơn cùng đơn vị chủ đầu tư cần tăng cường tuyên truyền vận động người dân, có phương án bảo vệ thi công. Mặt khác rà soát, xử lý những vướng mắc phát sinh về kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng; đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ, đúng pháp luật trong chi trả bồi thường. Đối với nguồn vật liệu đất đắp đập, đơn vị chủ đầu tư có trách nhiệm chủ động tìm kiếm mỏ đảm bảo đủ số lượng và chất lượng, không ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Đối với nguồn vốn thực hiện dự án, tỉnh đang kiến nghị Trung ương cho chuyển nguồn 73,5 tỷ đồng; trong thời gian chờ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, các ngành liên quan cần tham mưu tỉnh rà soát, bố trí nguồn vốn tạm ứng hợp lý để ưu tiên cho thực hiện dự án, nhất là đảm bảo cho công tác giải phóng mặt bằng và điều kiện thi công của các nhà thầu nhằm đẩy nhanh tiến độ. Giao Ban Quản lý dự án Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh có văn bản kiến nghị Trung ương cho kéo dài thời gian giải ngân dự án và kiến nghị Chính phủ về thủ tục chuyển đổi đất rừng để hoàn thành thủ tục theo quy định. Đơn vị chủ đầu tư cần nhắc nhở các nhà thầu đảm bảo bố trí đủ thiết bị máy móc, năng lực thi công và xây dựng kế hoạch tiến độ cụ thể, khả thi (có ý kiến tham gia của đơn vị tư vấn), dự phòng tình huống bất lợi của thời tiết để có phương án thi công hợp lý giảm tác động của mưa lũ đối với tiến độ, chất lượng thực hiện dự án.
Anh Tuấn