Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, động thái mới nhất diễn ra trong bối cảnh Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 5/5 tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế gây lo ngại toàn cầu (PHEIC).
Nhật Bản lần đầu tiên đưa ra khuyến cáo đi lại vào tháng 1/2020 đối với Trung Quốc, đặt ở cấp độ 1 - thấp nhất trong thang 4 cấp độ. Tuy nhiên, vào tháng 3 cùng năm, Bộ Ngoại giao nước này đã mở rộng khuyến cáo đi lại ra toàn thế giới. Có thời điểm, Nhật Bản ban hành khuyến cáo đi lại cấp độ 3 với 159 quốc gia và vùng lãnh thổ, cảnh báo người dân tránh đi du lịch đến những địa điểm đó. Kể từ tháng 10/2022, chính phủ đã hạ khuyến cáo đi lại xuống cấp độ 1 đối với toàn thế giới, đề nghị công dân "thận trọng" khi đi du lịch nước ngoài.
Hành khách chờ đợi tại sân bay ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 29/4/2023. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Trước đó, cùng ngày, Nhật Bản cũng đã chính thức giảm mức độ pháp lý của cảnh báo COVID-19 xuống ngang với bệnh cúm mùa và nới lỏng các quy định y tế chuyên sâu. Đây là sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận của Nhật Bản sau 3 năm đối phó với COVID-19.
Tại Nhật Bản, các bệnh truyền nhiễm được phân thành 5 nhóm, trong đó các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất được xếp vào nhóm 1 như dịch hạch và Ebola. Mức độ nguy hiểm sẽ giảm dần với các nhóm tiếp theo như bệnh lao thuộc nhóm 2, dịch tả thuộc nhóm 3, sốt vàng da thuộc nhóm 4 và cúm mùa thuộc nhóm 5.
Theo TTXVN/Báo Tin tức