Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe lãnh đạo tỉnh giới thiệu tóm tắt về đặc điểm, tình hình, tiềm năng, lợi thế về sản xuất muối của tỉnh. Theo đó, đến nay toàn tỉnh có 3.078 ha muối, với 3 đơn vị hoạt động sản xuất muối công nghiệp (Công ty Cổ phần Muối Ninh Thuận, Công ty Cổ phần Muối Đầm Vua, Công ty Cổ phần Tập đoàn BIM) có khả năng sản xuất trên 380.000 tấn/năm và sản lượng muối của diêm dân đạt khoảng trên 200.000 tấn/năm. Ngoài sản phẩm muối, còn có nước ót từ quá trình làm muối có khả năng thu hồi gần 300.000 m3/năm. Đây là các nguyên liệu chính cho ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm sau muối như: Xút, Clo, nhựa PVC,...
Đồng chí Phan Tấn Cảnh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội thảo.
Trong khuôn khổ hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia đã trao đổi, tham luận về hiện trạng và chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040; phát triển công nghiệp hóa chất và công tác bảo vệ môi trường; giới thiệu tổng quan dự án tổ hợp công nghệ xanh và hóa chất sau muối dự kiến đầu tư tại huyện Thuận Nam; công nghệ sản xuất sản phẩm sau muối và giải pháp ứng phó các sự cố môi trường...
Đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Tập đoàn BIM phát biểu tại hội nghị. Ảnh: V.Nỷ
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, sâu sắc của các đại biểu; đồng thời nhấn mạnh tỉnh Ninh Thuận sẽ là vùng trọng điểm tập trung sản xuất muối quy mô công nghiệp ở Nam Trung Bộ, đến năm 2030 sẽ tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô diện tích và sản lượng muối. Do đó, việc thu hút, đầu tư phát triển công nghiệp hóa chất sau muối là hoàn toàn phù hợp với lợi thế của tỉnh. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong rằng trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa của các đại biểu để tỉnh Ninh Thuận bứt phá đi lên mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Văn Nỷ