Theo một nghiên cứu của tổ chức phi chính phủ Oxfam (Anh), giá các loại lương thực “cơ bản” sẽ tăng lên gấp hơn hai lần trong vòng 20 năm tới. Liên hợp quốc cũng đã xác định mức tăng giá lương thực sẽ từ 10 – 20% trong năm tới, trong khi giá của các loại ngũ cốc đã tăng đến 71% trong năm nay.
Theo các dự báo vừa được đưa ra, chi phí bình quân của các loại cây trồng chủ lực sẽ tăng lên tới 180% trong giai đoạn từ nay tới năm 2030. Giá xuất khẩu của các nông phẩm cơ bản như lúa mỳ hay gạo cũng sẽ tăng từ 28-33% trong giai đoạn từ nay tới năm 2020 so với mức của năm 2010, sau đó tới năm 2030 sẽ tăng từ 73-89%.
Phần dân số nghèo nhất, những người phải dành 80% thu nhập cho lương thực, sẽ vẫn là đối tượng dễ bị tác động nhất bởi tình trạng này. Số người gánh chịu nạn đói cũng sẽ tăng lên một cách nhanh chóng, đặc biệt do nhu cầu của thế giới vượt quá khối lượng sản xuất trong bối cảnh tỷ lệ cây trồng đã giảm xuống 50% kể từ những năm 1990.
Chúng ta biết rằng theo dự báo, năm 2020, dân số thế giới sẽ tăng lên tới 7,7 tỷ người và sẽ lên tiếp tục lên tới 8,3 tỷ vào năm 2030. Vì vậy, vấn đề cấp bách trước mắt là phải tìm ra các phương thức sản xuất mới, trong đó kết hợp giữa năng suất và tôn trọng môi trường.
Có thể lý giải nguyên nhân dẫn tới hiện tượng bùng nổ giá lương thực trong thời gian qua bằng nhiều cách khác nhau, song tựu chung lại, đó là do quá trình gia tăng dân số thế giới, kèm theo các hệ quả tàn khốc của hiện tượng biến đổi khí hậu và tình hình cạnh tranh trong việc sử dụng nguồn tài nguyên đất và nước.
Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, tổ chức này đã lên tiếng kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cần cải thiện phương pháp điều chỉnh các thị trường lương thực và đầu tư vào quỹ khí hậu toàn cầu. Bà Barbara Stocking, Giám đốc điều hành Oxfam, cho biết: “Hệ thống lương thực cần thiết phải được cải tổ nếu chúng ta muốn vượt qua những thách thức ngày càng trở nên cấp bách do biến đổi khí hậu, giá lương thực leo thang và sự khan hiếm đất trồng, nước và năng lượng”.
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) về giá lương thực Food Price Watch (Theo dõi Giá Lương thực) cũng đã chỉ rõ giá lương thực cứ tăng thêm 10% thì sẽ đẩy thêm 10 triệu người vào cảnh đói nghèo cùng cực (sống với 1,25 USD/ngày), còn khi giá lương thực tăng 30% có thể dẫn tới việc có thêm 34 triệu người nghèo. Đặc biệt, những con số này khi cộng gộp vào tổng số 44 triệu người nghèo đói hiện đã được ghi nhận từ sau biến động tăng giá đột ngột hồi tháng 6/2010 sẽ càng trở nên “khủng khiếp” trong bối cảnh thế giới không ngừng nhắc tới các thành tựu trong quá trình thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ - giảm một nửa tỷ lệ đói nghèo vào năm 2015.
Cũng theo nghiên cứu trên, các nước nghèo đã phải trải qua tình trạng lạm phát lương thực nặng nề hơn rất nhiều so với các nền kinh tế phát triển hơn. Một ví dụ tiêu biểu như tại Cộng hòa Kyrgyzstan, nơi 10% số người nghèo nhất phải dành 73% thu nhập vào việc trang trải bữa ăn hàng ngày, mức lạm phát giá lương thực năm 2010 là 27%, khiến số người đang sống ở mức nghèo đói đã tăng lên tới 11%./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam