Lấp đầy các hố sâu bất bình đẳng về tiếp cận dịch vụ y tế là nội dung trọng tâm trong bài phát biểu của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập tổ chức này.
Theo một nghiên cứu, có tới 30% số dân toàn cầu hiện không được tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu. Khoảng 930 triệu người trên toàn thế giới có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói do chi tiêu y tế vượt quá 10% ngân sách hộ gia đình.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), khoảng 10 triệu trẻ em tại các nước châu Phi như Burkina Faso, Mali, Niger lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng và cần hỗ trợ nhân đạo, trong đó có hỗ trợ về dịch vụ y tế. Thực tế nêu trên cho thấy, WHO và các quốc gia cần tiếp tục tập trung thúc đẩy sự công bằng về y tế, coi quyền tiếp cận các dịch vụ y tế là quyền cơ bản của con người.
Kiểm tra bệnh sốt rét cho người dân bị sốt ở Chifra, Afar, Ethiopia.
Theo một nghiên cứu, có tới 30% số dân toàn cầu hiện không được tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu. Khoảng 930 triệu người trên toàn thế giới có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói do chi tiêu y tế vượt quá 10% ngân sách hộ gia đình.
Trong hơn ba năm hoành hành, đại dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, cuộc sống của con người, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế mà còn làm bộc lộ rõ những hạn chế về khả năng ứng phó toàn cầu với các thách thức. Và một trong những hạn chế này là tình trạng bất bình đẳng về y tế, mà theo nhận định của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, đây chính là nguyên nhân khiến đại dịch kéo dài.
Ở nhiều quốc gia kém phát triển, những công cụ giúp phòng, chống bệnh như vaccine, phương pháp điều trị hay chẩn đoán không thể đến được với người dân khi họ cần chúng nhất. Điều này đòi hỏi thế giới cần thiết lập mạng lưới chuỗi cung ứng để bảo đảm phân bổ nguồn lực công bằng và nhanh chóng khi xảy ra những tình trạng khẩn cấp tương tự đại dịch COVID-19.
Mới đây, WHO cùng ba tổ chức quốc tế là Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Tổ chức Thú y thế giới (WOAH) kêu gọi hành động vì một thế giới khỏe mạnh hơn thông qua cách tiếp cận “One Health”.
Cách tiếp cận này bao gồm nỗ lực hợp tác của nhiều lĩnh vực ở cấp địa phương, quốc gia và toàn cầu nhằm bảo đảm sức khỏe tối ưu cho con người, động vật và môi trường.
Những thách thức về sức khỏe gần đây như đại dịch Covid-19, dịch Ebola, các bệnh lây truyền từ động vật sang người khác, sự suy thoái hệ sinh thái và tình trạng biến đổi khí hậu đã chứng minh tầm quan trọng của việc phải có sự phối hợp chặt chẽ, đa ngành ở mọi cấp độ để ứng phó.
Ngoài ra, một khuyến nghị khác với các nước là đẩy mạnh đầu tư vào giáo dục kiến thức, kỹ năng cho nhân viên y tế. Theo ước tính, thế giới có thể thiếu hụt 10 triệu nhân viên y tế vào năm 2030.
Những lời kêu gọi bảo vệ sức khỏe người dân được đưa ra trong bối cảnh hàng loạt mối đe dọa về y tế đang thường trực. WHO cảnh báo một làn sóng COVID-19 mới lan ra từ Nam Á. Ấn Độ đang chứng kiến sự gia tăng đột biến số ca mắc COVID-19, với 6.050 ca mắc mới chỉ trong vòng 24 giờ. Indonesia cho biết sẽ duy trì tình trạng khẩn cấp liên quan dịch COVID-19 đến hết tháng 5 tới.
Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm virus Marburg; thế giới đối mặt với sự bùng phát nghiêm trọng của đợt dịch tả thứ bảy kể từ giữa năm 2021 đến nay...
Nhìn lại chặng đường 75 năm kể từ khi WHO được thành lập, Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh, dù tự hào vì những thành tựu đã đạt được thì chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm để hiện thực hóa tầm nhìn là mang lại tiêu chuẩn sức khỏe cao nhất cho tất cả mọi người. Sau quãng thời gian vật lộn đối phó đại dịch COVID-19 và các thách thức y tế khác, thế giới đã nhận thức rõ hơn bao giờ hết tầm quan trọng của đoàn kết, hợp tác trên quy mô toàn cầu trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh.
Theo Báo Nhân Dân