“Đưa trường học đến thí sinh”- chương trình thiết thực, hiệu quả

Nhằm giúp học sinh (HS) lớp 12 dễ dàng lựa chọn ngành nghề và chọn trường phù hợp trước mùa thi, Báo Người Lao Động vừa tổ chức chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” năm 2023 lần đầu tiên tại tỉnh ta.

Sáng ngày 8/4, sân Trường THPT Chu Văn An (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm) kín chỗ, rộn ràng hơn bởi 1.800 HS lớp 12 thuộc các trường trên địa bàn tỉnh tham gia chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” lần thứ 22. Đến thời điểm này, nhiều HS lớp 12 tự xác định được năng lực, sở thích của bản thân, nhưng vẫn lúng túng trong việc chọn ngành, đặc biệt trong thời điểm dịch chuyển nghề nghiệp của xã hội cũng như sự lên ngôi của trí tuệ nhân tạo hiện nay. Thấu hiểu những tâm tư, băn khoăn của các em, Ban Tư vấn chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” gồm TS. Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và các chuyên gia hướng nghiệp của các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) đã chuyển tải đến HS những thông tin mới nhất, đầy đủ, chính xác, kịp thời nhất về công tác tuyển sinh năm 2023, chia sẻ những thành công, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các em trước mùa thi. Qua đó giúp các em HS có được những kiến thức và kỹ năng cơ bản trong việc lựa chọn ngành học, trường học trong tương lai phù hợp khả năng, năng lực, sở thích, sở trường của mình, điều kiện gia đình và nhu cầu thị trường lao động.

Có mặt từ khá sớm, em Chamaléa Thoa, HS Trường THCS, THPT Bác Ái chia sẻ: Tham gia chương trình em được các thầy cô trong Ban cố vấn trực tiếp giải đáp những băn khoăn về lựa chọn ngành, nghề phù hợp. Chương trình thực sự rất bổ ích, đặc biệt giúp những HS ở vùng sâu, vùng xa như em nắm bắt được thông tin chính xác về kỳ thi tốt nghiệp THPT, cũng như những vấn đề liên quan việc tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ năm 2023, qua đó, giúp em có thêm tự tin lựa chọn ngành nghề phù hợp, phấn đấu học tập đạt được mục tiêu của mình.

Học sinh khối 12 trong tỉnh tham gia chương trình “Đưa trường học đến thí sinh”.

Trong thời gian 120 phút, hàng trăm HS được giải đáp thắc mắc, tư vấn về cơ hội học tập và tìm kiếm việc làm của các ngành học tại các trường; thông tin các ngành nghề “hot” hiện nay và cơ hội việc làm trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; hướng đi lựa chọn nghề nghiệp phù hợp sau khi tốt nghiệp THPT; mức thu và lộ trình tăng thu học phí ĐH; chính sách ưu tiên của HS dân tộc thiểu số...

TS. Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Chu Văn An cho biết: Nhà trường vinh dự khi được Báo Người Lao Động chọn tổ chức chương trình “Đưa trường học đến thí sinh”. Thông qua Ban cố vấn nhiều kinh nghiệm, HS dễ dàng tương tác trực tiếp, được giải đáp thỏa đáng những băn khoăn về công tác tuyển sinh. Chương trình là kênh thông tin uy tín, nhanh chóng và thiết thực giúp HS có thêm thông tin cụ thể về các ngành nghề đào tạo, các trường ĐH, CĐ, các phương thức xét tuyển, liên quan kỳ thi tốt nghiệp THPT, Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trong năm 2023... Từ đó, giúp các em xác định được hướng đi phù hợp nhất sau khi tốt nghiệp THPT. Tham gia chương trình, đội ngũ giáo viên trong tỉnh có thêm cơ hội để trang bị, bổ sung thêm kiến thức, kỹ năng hướng nghiệp cho HS của mình.

“Đưa trường học đến thí sinh” giúp HS xây dựng “hành trang”, tiếp thêm động lực tự tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và lựa chọn nguyện vọng nghề nghiệp, trường học phù hợp với sở thích, năng lực học tập, điều kiện kinh tế gia đình.

Với sự đồng hành của Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cùng ngày các chuyên gia còn tổ chức chương trình hướng nghiệp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hướng nghiệp cho 150 giáo viên làm công tác hướng nghiệp các trường trên địa bàn tỉnh, đưa đến những thông tin mới nhất, chính xác nhất cho HS trước khi đăng ký nguyện vọng vào các trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp.

Dịp này, Báo Người Lao Động đã trao 20 suất học bổng, trị giá 2 triệu đồng/suất, cho HS nghèo hiếu học trên địa bàn tỉnh.