Trước thực trạng đó, thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hạn chế nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí. Hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang quản lý 34 trạm quan trắc không khí và 1 xe quan trắc không khí lưu động tự động liên tục tại Khu xử lý chất thải Nam Sơn.
Năm 2022, Sở đã phối hợp với Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc lắp đặt 2 trạm quan trắc cố định và 30 trạm quan trắc cảm biến; tiếp nhận, giám sát dữ liệu quan trắc từ 13 trạm quan trắc khí thải của 8 đơn vị sản xuất trên địa bàn. Bên cạnh đó, thành phố đưa vào vận hành 6 trạm quan trắc nước mặt, giám sát chất lượng môi trường khí thải, nước thải các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất.
Hà Nội là một trong những đô thị đang phải đối mặt những tác động tiêu cực do ô nhiễm môi trường. Ảnh: TTXVN
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, qua kết quả quan trắc tại các trạm quan trắc cho thấy, chất lượng môi trường không khí xung quanh có sự khác biệt giữa các loại hình quan trắc. Loại hình quan trắc dân cư nông thôn và làng nghề có chất lượng không khí tốt nhất với tỷ lệ "tốt" và "trung bình" lần lượt là 98,6%-99%; loại hình đô thị và cận đô thị với tỷ lệ "tốt" là 80,9%, "trung bình" là 99,5%; loại hình giao thông có tỷ lệ "tốt" chiếm 63% và "trung bình" chiếm 96,2%.
Đặc biệt, tỷ lệ ngày "kém" ở loại hình giao thông chiếm 3,8-3,84%, cao hơn so với 2 loại hình quan trắc còn lại. Tỷ lệ "xấu" và "rất xấu" ở loại hình quan trắc giao thông cũng cao nhất (khoảng 0,5-7,4% và 0,8-1,1%) và không có ở loại hình quan trắc nông thôn và làng nghề.
Đáng chú ý, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng ban hành nhiều văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã và quận Hà Đông tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch. Kết quả, tỷ lệ đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng năm 2021 còn khoảng 23,4% (năm 2017, tỷ lệ đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng là 39%); xóa được hơn 99% số lượng bếp than tổ ong và xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công…
Để tăng cường công tác thanh, kiểm tra xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, năm 2020 - 2021, các cơ quan quản lý về môi trường của thành phố đã kiểm tra, thanh tra tại 3.670 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 2.508 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 21 tỷ đồng. Ngoài ra, Thanh tra Sở Giao thông và Vận tải Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 47.419 phương tiện vận tải vi phạm vệ sinh môi trường, phạt tiền gần 150 tỷ đồng; tạm giữ 627 phương tiện; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 4.672 trường hợp.
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của thành phố Hà Nội, trước sự biến đổi khó lường của khí hậu, tốc độ đô thị hóa, việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn vẫn còn những tồn tại, hạn chế cũng như khó khăn, vướng mắc, trong đó, có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Hà Nội rất cần sự chung tay của các tổ chức xã hội và đối tác phát triển để thúc đẩy các hành động chung về nâng cao chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Mới đây, tại hội thảo "Quản lý chất lượng không khí cho thành phố Hà Nội - Từ cam kết đến hành động", các chuyên gia cho rằng, để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí một cách nghiêm túc đòi hỏi cách tiếp cận có sự phối hợp giữa các tỉnh lân cận dưới sự chủ trì của Hà Nội. Ngân hàng Thế giới sẵn sàng tăng cường các cam kết hỗ trợ thành phố giải quyết các vấn đề môi trường để xây dựng một Hà Nội xanh, sạch, đẹp.
Cũng tại cuộc giám sát gần đây về việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường không khí trên địa bàn Thủ đô, Ban Đô thị - HĐND thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh việc hoàn thành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí; làm rõ vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường sông hồ kênh rạch; cơ sở pháp lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến khí thải, ô nhiễm không khí; làm rõ chất lượng nhân lực tham gia vào công tác quản lý không khí môi trường; tiếp tục tham mưu di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường không khí ra khỏi nội đô.
Đoàn giám sát cũng đề nghị Sở Giao thông và Vận tải Hà Nội đẩy mạnh thực hiện Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường; có hình thức khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Theo TTXVN/Báo Tin tức