Đến huyện Ninh Phước vào những ngày đầu tháng Tư, chúng tôi ghi nhận người dân địa phương tập trung ra đồng thu hoạch 8.282 ha cây trồng vụ đông - xuân 2022-2023. Trong đó có 5.430 ha lúa chủ động tưới từ hệ thống thủy lợi kênh Nam và các hồ chứa nước trên địa bàn huyện. Cây lúa áp dụng biện pháp canh tác “1 phải, 5 giảm” sinh trưởng tốt, năng suất đạt 65-70 tạ/ha, đem lại thu nhập khá cho các nông hộ. Qua thống kê, toàn huyện có 40.221 hộ, với 143.706 nhân khẩu sinh sống tập trung tại 66 thôn, khu phố thuộc địa bàn 9 xã, thị trấn. Đời sống của người dân nhờ thu nhập từ trồng trọt áp dụng công nghệ cao kết hợp chăn nuôi gia súc có sừng theo mô hình vỗ béo. Trong đó có các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo đã giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Từ các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước giúp người dân xã Phước Hải trồng măng tây xanh cho thu nhập cao, vuơn lên thoát nghèo bền vững.
Trong năm vừa qua, huyện Ninh Phước có 798 hộ nghèo và hộ cận nghèo được vay vốn ngân hàng lãi suất ưu đãi, với số tiền 32,7 tỷ đồng đầu tư phát triển sản xuất; cho 534 sinh viên vay 9,52 tỷ đồng; hỗ trợ chính sách y tế cho 18.352 người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng khó khăn, với số tiền 10,72 tỷ đồng; hỗ trợ cải thiện nhà ở cho 32 hộ nghèo, với kinh phí 1,6 tỷ đồng. Ngân sách trung ương và địa phương hỗ trợ 5,87 tỷ đồng tạo sinh kế cho người nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững. Toàn huyện có 46 người tham gia xuất khẩu lao động có thời hạn có thu nhập cao. Mở 21 lớp đào tạo kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi gia súc cho 735 lao động các gia đình nghèo, cận nghèo. Bà con áp dụng kỹ thuật vào thực tiễn canh tác cây táo, măng tây xanh và chăn nuôi gia súc vỗ béo đạt hiệu quả kinh tế cao. Giải quyết việc làm mới cho 3.502 lao động, vượt 20,7% kế hoạch; xuất khẩu 48 lao động, vượt 84,6% kế hoạch. Các hộ nghèo, cận nghèo được nhận trên 343 tấn gạo hỗ trợ của Chính phủ và hàng nghìn phần quà của các doanh nghiệp, các nhà từ thiện. Có 57.000 lượt đối tượng hưởng chính sách bảo trợ xã hội với số tiền 31 tỷ đồng, bảo đảm an sinh trên địa bàn huyện. Tính đến cuối năm 2022, Ninh Phước còn 1.418 hộ nghèo, chiếm 3,48% số hộ trên địa bàn huyện, giảm 2,03% so với cùng kỳ năm 2021.
Năm 2023, huyện Ninh Phước tiếp tục giải ngân nguồn vốn của trung ương và của tỉnh phân bổ cho chương trình GNBV địa phương với tổng kinh phí 13,48 tỷ đồng. Trong đó đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo 4,65 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng 2,87 tỷ đồng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm bền vững 4,39 tỷ đồng; đẩy mạnh giải quyết việc làm, đào tạo nghề và lao động có thời hạn ở nước ngoài với mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2023, toàn huyện giảm hộ nghèo xuống còn 1,98%.
Đồng chí Ngô Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể huy động mọi nguồn lực hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập. Thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu GNBV, chống tái nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ cơ bản xã hội, tạo sinh kế giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Phát huy tinh thần chủ động vươn lên của hộ nghèo, huy động tối đa các nguồn lực lồng ghép thực hiện hiệu quả chương trình GNBV gắn với nâng cao tiêu chí huyện nông thôn mới. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các dự án hỗ trợ GNBV. Biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân, hộ gia đình có thành tích xuất sắc hực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Sơn Ngọc