Hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm

Xác định việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là nhiệm vụ trọng tâm, phù hợp với quá trình cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới (NTM) ở cơ sở, thời gian qua, việc triển khai Chương trình OCOP được các cấp, ngành và địa phương thực hiện lồng ghép với dự án, các chương trình mục tiêu quốc gia và đạt nhiều kết quả tích cực.

Dành nguồn lực hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP

Để phát huy vai trò của các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động gắn với chuỗi liên kết giá trị sản phẩm OCOP. Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sắc thường niên gắn với văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp vùng, địa phương và quốc tế; thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch trọng điểm. Trong đó, bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ của trung ương, UBND tỉnh cũng có nhiều chủ trương, chính sách phát triển sản phẩm OCOP.

Theo lãnh đạo Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Nông sản Thái Thuận, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn), thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ của trung ương và địa phương, công ty đã phát triển các chuỗi liên kết sản xuất nho, táo, nghiên cứu đa dạng các sản phẩm chế biến sâu từ 2 loại quả này. Đến nay, đã có 10 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3-4 sao cấp tỉnh, được dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm minh bạch thông tin về canh tác, thu hái, bảo quản và vận chuyển. Hợp tác xã (HTX) Nho Evergreen Ninh Thuận hiện có trên 30 ha nho, trong đó diện tích nho được cấp chứng nhận VietGAP trên 11 ha. Năm 2021, thông qua đề án ứng dụng thiết bị tiên tiến vào chế biến nông sản của khuyến công địa phương, HTX có điều kiện đầu tư hệ thống máy sấy nho lạnh, giúp nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng cũng như mở rộng thị trường.

Gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Nam Miền Trung
tại tại một hội nghị. Ảnh: Anh Tùng

Giai đoạn 2020-2022, UBND tỉnh bố trí gần 19 tỷ đồng cho các ngành, địa phương triển khai Chương trình OCOP, hỗ trợ phát triển thêm từ 20-30 sản phẩm mới đạt chứng nhận OCOP. Trong đó, phần lớn hỗ trợ các chủ thể đầu tư xây mới và nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm máy móc trang thiết bị, thiết lập mẫu mã bao bì, xây dựng thương hiệu, tem truy xuất nguồn ngốc... để phát triển sản phẩm đạt chuẩn OCOP các hạng sao cấp tỉnh. Từ những lợi ích thiết thực, hiệu quả mang lại mà ngày càng có nhiều chủ thể tham gia Chương trình OCOP. Qua 3 năm (2019-2022) triển khai thực hiện, các sản phẩm OCOP của Ninh Thuận đã không ngừng tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Được biết, trong kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP năm 2023, UBND tỉnh sẽ dành hơn 6,4 tỷ đồng để hỗ trợ cho 110 sản phẩm đặc thù và sản phẩm tiềm năng dự kiến có thể phát triển thành sản phẩm OCOP tỉnh.

OCOP giúp nâng cao thu nhập của nông dân

Qua thực tế co thấy, Chương trình OCOP đã gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, HTX với nông dân, cũng như tạo cơ sở để các sản phẩm nông nghiệp nông thôn phát triển tốt hơn. Thông qua mối liên kết này, tư duy, cách thức sản xuất của nông dân cũng dần thay đổi, bỏ lối canh tác cũ, hướng đến sản xuất xanh, sạch, an toàn, thân thiện với môi trường, áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới hướng đến mô hình sản xuất có sự liên kết chặt chẽ với HTX, doanh nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững. Anh Nguyễn Ngọc Quốc, nông dân trồng táo ở xã Nhơn Sơn, phấn khởi cho biết: Từ khi có Chương trình OCOP, tôi đã chuyển sang trồng táo theo hướng VietGAP, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật một cách có kiểm soát, được doanh nghiệp thu mua bao tiêu sản phẩm tôi thấy an tâm hơn. Buôn bán sòng phẳng, giá cả lại tốt hơn ngoài chợ, với nông dân như vậy là vui lắm rồi. Táo sau khi thu hoạch cung cấp cho công ty với giá cao hơn bên ngoài từ 10-15%, tùy mùa vụ. Còn anh Nguyễn Văn Tâm, phường Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), thành viên HTX Nho Evergreen Ninh Thuận cho biết: Gia đình có hơn 1,5 sào nho, khi vào HTX tôi được hỗ trợ vật tư phân bón đến bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt, các thành viên còn được hướng dẫn áp dụng trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm nho được HTX bao tiêu, không phải lo lắng về đầu ra như trước đây, cuộc sống từ đó ổn định hơn.

Nông dân Ninh Phước chăm sóc nho. Ảnh: Phan Bình

Chương trình OCOP thực sự đã góp phần phát triển nông nghiệp nông thôn, xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Quan trọng hơn, các sản phẩm OCOP đã mang lại thu nhập tốt hơn cho nhiều nông hộ. Ngoài mục đích kinh tế, chương trình còn mang ý nghĩa về an sinh xã hội, giải quyết được việc làm cho lao động nông thôn, giúp cải thiện đời sống khu vực nông thôn, giảm nghèo, tăng thu nhập của địa phương.

Theo đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong bộ tiêu chí để đánh giá xã NTM có các tiêu chí liên quan đến vấn đề tổ chức sản xuất, vấn đề phát triển HTX, vấn đề môi trường và vấn đề nâng cao thu nhập cho người dân. Trong 4 tiêu chí đó, sản phẩm OCOP ngoài đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội tại địa phương, còn giúp đảm bảo vấn đề môi trường, giúp phát huy vai trò của HTX bằng việc huy động các xã viên tham gia tổ chức sản xuất ra sản phẩm tốt tham gia Chương trình OCOP. Bên cạnh đó, chương trình cũng có những tác động tích cực vào thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương. Không những thế, Chương trình OCOP còn tạo ra phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, hình thành nhiều mô hình, vùng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh.