Cảnh giác với hoạt động vay qua các ứng dụng trên mạng internet

Hiện nay trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng xuất hiện nhiều vụ việc người dân, cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC),... đến cơ quan chức năng trình báo về việc bị các đối tượng chưa rõ danh tính sử dụng nhiều số điện thoại khác nhau gọi điện quấy rối, dùng nhiều lời nói đe dọa, xúc phạm với mục đích yêu cầu thanh toán khoản vay cho một số người.

Qua xác minh, các cá nhân, tổ chức đến trình báo đều không tham gia vào việc vay mượn qua các ứng dụng; tuy nhiên, họ đều là những người xuất hiện trong danh bạ điện thoại của các cá nhân có tham gia vay tiền qua các ứng dụng.

Được biết, thủ đoạn của các đối tượng phổ biến là phân công nhân viên tư vấn gọi điện thoại chào mời vay tiền qua các ứng dụng như: CashVN, Vaynhanhpro, Ovay,... Khi khách hàng (KH) đồng ý vay tiền sẽ tải, cài đặt ứng dụng về điện thoại di động và cấp quyền cho ứng dụng được phép truy cập vào danh bạ, hình ảnh của thiết bị. Sau đó, người vay cung cấp thông tin cá nhân KH trực tiếp trên ứng dụng gồm: Tên, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng nhận tiền vay, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân... Các đối tượng làm nhiệm vụ thẩm định hồ sơ sẽ xác minh thông tin KH cung cấp, sau đó căn cứ vào thông tin KH, lịch sử vay, trả tiền của KH, ứng dụng sẽ đưa ra cho KH các gói vay. Gói vay từ khoảng 500.000-20.000.000 đồng trong thời gian từ 7-14 ngày và thông báo trực tiếp trên ứng dụng cho KH. Khi KH đồng ý gói vay và xác nhận trên ứng dụng thì số tiền vay sẽ được bộ phận giải ngân chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng mà KH đã đăng ký. KH sẽ bị cắt lại phần lãi dựa theo số ngày vay, thực tế KH chỉ nhận được khoảng 74-80% số tiền đăng ký vay. Đến hạn thanh toán, KH phải thanh toán toàn bộ số tiền đăng ký vay, nếu KH không thanh toán hoặc chậm thanh toán sẽ được giới thiệu vay các ứng dụng khác để trả đáo hạn hoặc thông tin vay nợ KH được chuyển sang bộ phận truy thu nợ và bị tính lãi suất khoảng 100%/tháng. Các đối tượng làm nhiệm vụ truy thu nợ sẽ gọi điện thoại, nhắn tin cho KH, người thân trong danh bạ điện thoại KH để yêu cầu KH thanh toán nợ. Nếu KH tiếp tục chậm thanh toán thì các đối tượng sẽ nhắn tin, gọi điện thoại chửi bới đe dọa, gửi các hình ảnh KH bị ghép vào các hình ảnh nhạy cảm cho KH, người thân KH mục đích để đe dọa, thúc ép KH trả nợ. Qua xác minh một số vụ việc thực tế mức lãi suất các đối tượng này cho vay khoảng 43.000-60.000 đồng/triệu đồng/ngày.

Trong năm 2022, lực lượng công an đã tiếp nhận 5 vụ việc liên quan đến người dân, người làm việc trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đến trình báo bị các đối tượng gọi điện quấy rối, đe dọa. Ngoài ra, vào tháng 12/2022 lực lượng công an đã tiếp nhận quyết định ủy thác điều tra của cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Hà Nội đối với 2.161 trường hợp là người vay qua ứng dụng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, qua xác minh bước đầu có rất nhiều trường hợp làm việc trong các sở, ban, ngành,...

Trước vấn đề trên, để tránh ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, ngày 4/3/2023, UBND tỉnh có văn bản gửi các sở, ban, ngành, các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước, UBND các huyện, thành phố... về việc cảnh giác với hoạt động vay qua các ứn dụng trên mạng internet. Trong đó, UBND tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt, thông báo rộng rãi đến CBCCVC, người lao động,... tại cơ quan, đơn vị mình biết; qua đó tiếp tục thông tin, tuyên truyền để người thân trong gia đình biết về phương thức, thủ đoạn của hoạt động cho vay lãi nặng trên các ứng dụng không được cấp phép, ứng dụng “rác”. Tuyệt đối không tham gia các hoạt động vay mượn trên các ứng dụng chưa được cấp phép, ứng dụng “rác”, không cài đặt các ứng dụng lạ, không cung cấp thông tin cá nhân cho các đối tượng chưa rõ danh tính.

Trường hợp CBCCVC,... bị các đối tượng gọi điện quấy rối, đe dọa,... thì kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết kịp thời, đúng quy định.