(NTO) Sáng ngày 24-6, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Luật Thanh tra năm 2010. Đến dự hội nghị các đồng chí là Phó tổng Thanh tra Chính phủ: Nguyễn Văn Sản, Trần Đức Lượng, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thanh; lãnh đạo tỉnh, sở ngành của 62 điểm cầu trong cả nước. Ở tỉnh ta, đồng chí Đỗ Hữu Nghị, Phó Chủ tịch UBDN tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành ; các huyện, thành phố và các thanh tra viên trong tỉnh tham dự. Luật Thanh tra năm 2010 trên cơ sở bổ sung, sửa đổi Luật Thanh Tra năm 2004 đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 15 tháng 11 năm 2010. Luật gồm 7 chương, 78 điều. Luật quy định về tổ chức , hoạt động thanh tra nhà nước và thanh tra nhân dân. Mục đích của hoạt động thanh tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước ; bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức cá nhân.
Tại hội nghị lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã nêu rõ tầm quan trọng của Luật Thanh tra năm 2010 và những điểm mới của Luật so với Luật Thanh tra năm 2004; giới thiệu 4 Nghị định dự thảo quy định, hướng dẫn thực hiện Luật Thanh tra năm 2010: Nghị định quy định chi tiết một số điều thực hiện Luật Thanh tra; Thanh tra chuyên ngành, nhiệm vụ, chức năng cơ quan thanh tra chuyên ngành; Thanh tra viên và công tác của thanh tra; Chức năng quyền hạn của Thanh tra Chính phủ
Trong hội nghị, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã giải đáp một số ý kiến của lãnh đạo các tỉnh, thành phố về một số nội dung quy định trong Luật Thanh tra năm 2010: Thẩm quyền quản lý của thanh tra, xử lý kết quả sau thanh tra, định hướng công tác, kế hoạch thanh tra, phạm vi điều chỉnh của Luật Thanh tra, tính độc lập của thanh tra sở và thanh tra huyện, tổ chức thanh tra trong các khu công nghiệp….
Đặng Hữu