Năm 2022, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng hoạt động KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì ổn định. Trong năm có 12 HTX được thành lập mới, nâng tổng số HTX trên toàn tỉnh lên 107 HTX, tổng số 18.916 thành viên, với vốn đăng ký trên 143 tỷ đồng, doanh thu bình quân của HTX ước đạt 2,3 tỷ đồng/HTX, tăng 2,2% so với năm 2021. Một số HTX đã ứng dụng công nghệ trong sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, mô hình tưới tiết kiệm nước, mô hình trồng rau, trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao,… mang lại hiệu quả kinh tế, bước đầu hình thành mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên HTX. Bên cạnh đó, một số HTX đã mạnh dạn tham gia Chương trình OCOP. Đến nay, toàn tỉnh có 29 sản phẩm của 13 HTX được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, góp phần nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực.
Đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo KTTT, HTX tỉnh, các sở, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt các chủ trương, chính sách của Trung ương và tỉnh về đổi mới, phát triển KTTT, HTX. Trong đó nhấn mạnh tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu như: Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thành lập mới HTX, triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả, đúng quy định các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển HTX. Tăng cường quản lý nhà nước về KTTT; kiện toàn, phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX cấp tỉnh, cấp huyện. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về KTTT. Tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm, tháo gỡ các vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi để HTX được tiếp cận đầy đủ các chính sách hỗ trợ phát triển. Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX, nhằm nâng cao năng lực quản trị và tổ chức sản xuất, kinh doanh.
Hồng Nguyệt