Đúng ngày kỷ niệm 86 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tối 21/6, tại Cung Văn hóa Hữu nghị (Hà Nội), Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã long trọng tổ chức Lễ trao giải Báo chí Quốc gia lần thứ V. Giải thưởng năm nay tôn vinh 128 tác phẩm báo chí xuất sắc thuộc 8 thể loại.
Dự buổi lễ có các đồng chí: Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải báo chí Quốc gia; Nguyễn Thị Doan, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo nhiều Bộ, Ban, ngành đoàn thể; đại diện các cơ quan báo chí ở Trung ương và Hà Nội cùng đông đảo những người làm báo và bạn đọc của báo chí cách mạng Việt Nam.
Đồng chí Trương Tấn Sang trao giải A cho các tác giả.
Phát biểu tại Lễ trao giải, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Trương Tấn Sang nhiệt liệt chúc mừng các thế hệ nhà báo Việt Nam, biểu dương kết quả mà báo chí cách mạng đã đạt được trong năm qua. Đồng chí nhấn mạnh: 86 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự ủng hộ của nhân dân, báo chí cách mạng nước ta ngày càng phát triển, trở thành vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, báo chí đã có những đóng góp quan trọng vào việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Đồng thời, báo chí cũng đã tự đổi mới và ngày càng trưởng thành về mọi mặt. Có thể nói, chưa bao giờ đội ngũ những người làm báo, các loại hình báo chí và phương tiện truyền thông đại chúng nước ta phát triển mạnh mẽ, hùng hậu như hiện nay. Trong thời gian qua, báo chí đã tập trung tuyên truyền về Đại hội Đảng các cấp và Đại hội lần thứ XI của Đảng, đóng góp vào thành công của Đại hội; tuyên truyền về các ngày kỷ niệm lớn của Đảng, của đất nước, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là cho thế hệ trẻ. Báo chí đã phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt, những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, cổ vũ, động viên phong trào thi đua yêu nước của nhân dân. Báo chí cũng đã tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội; đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; mở rộng thông tin đối ngoại, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, thành tựu đổi mới của nhân dân ta đến với bạn bè quốc tế và đồng bào ta sinh sống ở nước ngoài.
Trước diễn biến thực tế của đất nước, đồng chí Trương Tấn Sang yêu cầu báo chí trong thời gian tới cần tích cực nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các văn kiện của Đại hội XI; góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi đường lối do Đại hội đề ra, trong đó tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ: Tập trung tuyên truyền tốt đợt sinh hoạt chính trị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết và các văn kiện Đại hội XI của Đảng, trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Tuyên truyền cổ vũ, động viên các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân thực hiện nghiêm túc, có kết quả các nhiệm vụ, giải pháp mà kết luận số 02-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 11-NQ/CP của Chính phủ đề ra thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2011 và những năm tiếp theo. Tiếp tục phát huy vai trò tích cực trong việc phát hiện, phê phán, lên án tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, các tiêu cực và tệ nạn xã hội, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tiếp tục đổi mới nâng cao hơn nữa chất lượng, hoạt động của các cơ quan báo chí; nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, gắn với cuộc sống của nhân dân, sự nghiệp đổi mới của đất nước để có ngày càng nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc, có tính chiến đấu, hấp dẫn, thuyết phục cao.
Các tác giả đạt giải B giải báo chí Quốc gia năm 2010
Phát biểu khai mạc, đồng chí Đinh Thế Huynh khẳng định: Giải báo chí Quốc gia là hoạt động thường niên của Hội Nhà báo Việt Nam nhằm tôn vinh những tác giả, tác phẩm báo chí xuất sắc trên khắp mọi miền đất nước. Giải báo chí Quốc gia năm 2010 đã thành công tốt đẹp với số lượng tác phẩm dự giải cao nhất từ trước tới nay: 1.321 tác phẩm, thuộc 8 thể loại, tăng 30% so với năm trước. So với 4 mùa giải trước, số lượng đơn vị báo chí, số tác phẩm của cộng tác viên và số lượng tác phẩm ảnh báo chí tham dự đều nhiều nhất.
Nhìn chung các tác phẩm đã bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, địa phương; phản ánh kịp thời, sinh động và đa dạng tình hình kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước; phản ánh đậm nét các sự kiện chính trị lớn của đất nước. Nhiều tác phẩm đi sâu giới thiệu những nhân tố mới, gương người tốt, điển hình tiên tiến trong hoạt động kinh tế, đầu tư phát triển, kiềm chế lạm phát, ngăn chặn suy giảm kinh tế; ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; khắc phục hậu quả thiên tai lũ lụt; đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; đấu tranh với các thế lực thù địch, các hoạt động sai trái chống phá nhà nước; vấn đề phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; về nông nghiệp, nông thôn, nông dân...
Các tác phẩm vào chung khảo là những tác phẩm xuất sắc có tính phát hiện, phản ánh đúng tình hình phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, chính trị, an ninh quốc phòng, có tính định hướng dư luận xã hội; góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước; có chất lượng tốt về hình thức thể hiện.
Về chất lượng các tác phẩm dự giải đồng đều hơn các năm trước. Tuy nhiên số tác phẩm thật sự xuất sắc nổi trội hẳn vẫn chưa nhiều, chưa có tác phẩm thật sự làm lay động lòng người.
Các tác phẩm có chất lựợng cao vẫn tập trung ở khối báo chí Trung ương và các thành phố lớn. Ở một số loại giải, chất lượng tác phẩm tốt hơn các năm trước.
Trong 161 tác phẩm vào vòng chung khảo, Ban Tổ chức đã chọn và trao giải cho 128 tác phẩm xuất sắc nhất. Trong đó, có 02 giải A, 24 giải B, 43 giải C và 59 giải Khuyến khích
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam