Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Mỹ (FDA) sẽ tăng cường chia sẻ thông tin với các đối tác nước ngoài như là một phần của chiến lược tổng thể nhằm kiểm soát mức độ an toàn đối với hàng triệu mặt hàng nhập khẩu vào nước này.
Theo đó, FDA vừa công bố kế hoạch lâu dài để đối phó với khối lượng hàng nhập khẩu vào Mỹ vốn đã tăng gấp bốn lần trong thập kỷ qua. FDA đã hợp tác với các nhà quản lý ở châu Âu và Ôtxtrâylia để kiểm tra các mặt hàng tân dược. Tuy nhiên, Tiến sĩ Margaret Hamburg, ủy viên của FDA cho biết, một liên minh toàn cầu toàn diện hơn sẽ là cần thiết để ngăn chặn hàng nhập khẩu không an toàn được đưa vào thị trường Mỹ. Ông Hamburg cho biết: "FDA phải tăng cường các quy chế quản lý và cộng tác với các đối tác để thu hẹp dần mức độ nhập khẩu". FDA hy vọng sẽ thành lập liên minh kiểm soát hàng nhập khẩu vào năm tới, cho dù vẫn chưa đạt được thoả thuận với các đối tác nước ngoài.
FDA đã đưa ra một số biện pháp kiểm soát hàng hóa trong hơn một thập kỷ qua như: tăng cường chia sẻ dữ liệu với các nhà quản lý ở nước ngoài, hệ thống hoá bằng máy tính để xác định những mặt hàng nhập khẩu có nguy cơ cao nhất và nhờ sự giúp đỡ từ các nhà thầu của bên thứ ba để kiểm tra các cơ sở sản xuất nhiều hơn. FDA có trách nhiệm kiểm tra hàng nhập khẩu của hơn 300.000 cơ sở sản xuất ở 150 quốc gia. Tuy nhiên, báo cáo của FDA cũng cho thấy một số khó khăn đối với các nhà quản lý thực phẩm, tân dược, mỹ phẩm và thiết bị y tế tại thị trường Mỹ. Gần 2/3 các loại hoa quả và rau tiêu thụ tại Mỹ là hàng nhập khẩu và 80% nguyên liệu để sản xuất dược phẩm là nhập khẩu. Báo cáo của các bang cũng cho biết, sự thay đổi các dòng sản phẩm toàn cầu sẽ càng khó khăn để xác định "nguồn gốc" của sản phẩm.
Trong những năm gần đây FDA cũng đã tăng cường thanh tra ở nước ngoài như mở các văn phòng đầu tiên tại Trung Quốc và Ấn Độ trong năm 2008 và 2009 sau khi xảy ra trường hợp hàng chục người chết và hàng trăm người dị ứng ở Mỹ bị nghi là hẹp mạch máu do ô nhiễm heparin. Từ năm 2007 đến 2009, FDA đã kiểm tra 27% địa điểm sản xuất thuốc của nước ngoài, nhưng theo báo cáo năm 2010 của Văn phòng Chính phủ Mỹ thì cơ quan này vẫn kiểm tra ít hơn 11% các địa điểm trong danh sách cần "quan tâm". Các quan chức của FDA cho biết họ đã tiến hành kiểm soát độ an toàn thực phẩm tốt hơn nhờ vào quyền hạn mới được trao trong năm nay.
Luật an toàn thực phẩm do Tổng thống Barack Obama ký hồi đầu năm yêu cầu FDA tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất thực phẩm nước ngoài hướng vào hầu hết các nguồn thực phẩm có nguy cơ cao nhất. Luật pháp yêu cầu các nhà nhập khẩu phải đảm bảo an toàn thực phẩm và trao cho FDA thẩm quyền mạnh hơn trong việc từ chối nhập khẩu một số loại hàng hoá vào nước này.
Theo AP