Xuất khẩu lao động-Kỳ vọng năm 2023

Năm 2021, thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) gần như đóng băng trong năm, toàn tỉnh chỉ có 28 người đi XKLĐ; năm 2022, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, thị trường XKLĐ của tỉnh phục hồi và khởi sắc trở lại. Toàn tỉnh đưa 154 lao động (LĐ) làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đạt 102,67% so với chỉ tiêu giao, tăng 5,5 lần so với năm 2021. Tín hiệu tích cực này đã góp phần giải quyết việc làm, thực hiện mục tiêu giảm nghèo, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân.

Năm 2022, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, thị trường LĐ tại các nước và các vùng lãnh thổ trên thế giới mở cửa trở lại; các cơ quan chức năng của tỉnh cùng các đơn vị, doanh nghiệp (DN) tham gia lĩnh vực XKLĐ đã nắm bắt cơ hội, tạo thuận lợi cho người LĐ có nhu cầu ra nước ngoài làm việc. Nhằm hoàn thành chỉ tiêu về XKLĐ, đồng thời bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người đi XKLĐ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã chủ động phối hợp với các cấp, ngành, đơn vị tuyên truyền rộng rãi đến người dân về hoạt động XKLĐ; tăng cường tuyên truyền, phổ biến các nội dung về công tác bảo hộ quyền, lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài; đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, tỉnh đã mở rộng nhóm đối tượng được hỗ trợ vốn vay ưu đãi tham gia XKLĐ. Các đối tượng ưu tiên như: Hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp và thân nhân của những người có công với cách mạng và bộ đội công an xuất ngũ trở về địa phương... Đây là điều kiện để những LĐ này tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp để tham gia XKLĐ.

Sở cũng chủ động lồng ghép tuyên truyền trong các hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật LĐ, truyền thông triển khai chương trình việc làm của tỉnh. Đồng thời, ban hành văn bản yêu cầu các DN nghiêm chỉnh chấp hành việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người LĐ; yêu cầu người đi XKLĐ phải tham gia đầy đủ khóa học, có bài kiểm tra cuối khóa đạt yêu cầu mới được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức theo quy định. Các địa phương trong tỉnh cũng kịp thời thông tin và hướng dẫn các DN đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đảm bảo an toàn trong tình hình dịch bệnh và theo quy định về tiếp nhận LĐ nước ngoài của nước sở tại. Từ những cố gắng, nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, kết quả công tác XKLĐ đã có nhiều khởi sắc, năm 2022, toàn tỉnh đưa 154 LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (gồm Nhật Bản 132, Hàn Quốc 2, Đài Loan 17, Nga 2, Hungary 1), đạt 102,67% so với chỉ tiêu giao, tăng 5,5 lần so với năm 2021 (154/28). Nhiều địa phương có người tham gia XKLĐ đã cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, tạo động lực cho các hộ gia đình khác noi theo.

Công tác tư vấn xuất khẩu lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Ảnh: CTV

Điển hình, Bác Ái là huyện miền núi, trong đó, đồng bào Raglai chiếm hơn 80% dân số. Bằng các hình thức tuyên truyền, định hướng khác nhau, tư duy làm giàu trong đồng bào dân tộc Raglai đã có sự thay đổi rõ rệt. Nhiều gia đình có người đi XKLĐ nhờ nguồn thu nhập ổn định này đã vươn lên trong phát triển kinh tế gia đình, xây dựng cuộc sống no ấm. Từ năm 2016 đến năm 2020 trên địa bàn huyện có 178 LĐ tham gia chương trình XKLĐ nước ngoài, gửi về cho gia đình hơn 8,2 tỷ đồng; năm 2022, Bác Ái có 4 LĐ tham gia xuất khẩu, nâng tổng số lên 30 LĐ hiện đang làm việc tại Nhật Bản và Ả Rập Xê út. Hay tại Thuận Bắc, từ năm 2016 đến nay, địa phương đã đưa 72 người tham gia XKLĐ, hiện còn 34 LĐ đang gia hạn thời gian làm việc. Số LĐ này đã gửi về cho gia đình trên 24 tỷ đồng.

Với những tín hiệu vui từ XKLĐ, năm 2023 tỉnh đặt ra mục tiêu đưa 150 LĐ đi làm việc nước ngoài. Để đạt được mục tiêu trên, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin kịp thời tình hình thị trường LĐ cũng như các chương trình đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài. Đa dạng hóa các hình thức kết nối cung - cầu LĐ, các dịch vụ cung ứng LĐ cho DN; tăng cường kết nối với các tỉnh lân cận trong tuyển chọn, cung ứng LĐ; phối hợp đào tạo, tuyển chọn LĐ giữa DN với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm khai thác có hiệu quả lực lượng LĐ đã qua đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu thị trường. Thực hiện tốt chính sách LĐ, việc làm hướng đến việc làm bền vững; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài gắn với chính sách thu hút, phát huy lực lượng này sau khi về nước. Tăng cường quản lý về quan hệ LĐ, chính sách LĐ, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn, vệ sinh LĐ; tăng cường đối thoại với người LĐ và DN để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp phù hợp với thực tiễn của tỉnh; bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hoá, hiện đại hóa theo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐ nông thôn, gắn đào tạo nghề với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và gắn với tạo việc làm cho người LĐ.

Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử phạt những DN vi phạm chính sách pháp luật trong lĩnh vực XKLĐ. Về phía người LĐ, Sở LD-TB&XH khuyến cáo cần tìm hiểu kỹ thông tin, lựa chọn các DN được cấp phép để tránh những rủi ro về tài chính.