Để sản phẩm OCOP phát triển bền vững, thì việc duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm là tiêu chí rất quan trọng. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng với các sở, ban, ngành tiếp tục hỗ trợ máy móc, trang thiết bị sản xuất; phát triển liên kết chuỗi, vùng nguyên liệu; đào tạo phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP. Từ đó, đưa các sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại, các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Anh Đào Minh Cường, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nho Evergreen Ninh Thuận, phường Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) chia sẻ: Các sản phẩm đạt chứng nhận đều có được sự phát triển vượt trội, chiếm được sự tin tưởng của khách hàng. Với chứng nhận OCOP, sản phẩm cũng được các hệ thống siêu thị, cửa hàng quan tâm, ký hợp đồng bao tiêu với số lượng lớn. Hiện HTX đang tiếp tục kết nối với người tiêu dùng thông qua việc đưa các sản phẩm chế biến từ quả nho lên các sàn giao dịch thương mại điện tử, giới thiệu quảng bá các sản phẩm qua các kênh hội chợ, hội nghị, hội thảo... Qua đó, giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm của HTX được thuận lợi hơn, góp phần duy trì sản xuất cho người nông dân và phát triển thương hiệu bền vững.
Khách hàng tham quan, mua sản phẩm đặc thù của tỉnh tại
phiên chợ OCOP năm 2022. Ảnh: H.Lâm
Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho người tiêu dùng và du khách tìm hiểu, lựa chọn các sản phẩm OCOP của địa phương, Sở NN&PTNT tăng cường phối hợp với ngành Du lịch, ngành Công Thương để các cá nhân, đơn vị tham gia Chương trình OCOP được giới thiệu, bán sản phẩm tại các điểm, khu du lịch, các trạm dừng chân trên địa bàn để vừa quảng bá vừa tạo sự đa dạng hàng hóa trong các điểm đến phục vụ du khách.
Chị La Thị Lệ Phương, chủ Cơ sở nước mắm Thương Thảo, thôn Lạc Sơn 2, xã Cà Ná (Thuận Nam) cho biết: Từ khi các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, cơ sở thường xuyên tham gia nhiều kênh quảng bá như giới thiệu sản phẩm gian hàng tại các hội chợ, đưa các sản phẩm trưng bày tại các hội nghị và đặc biệt là trưng bày, giới thiệu quảng bá các sản phẩm tại các điểm du lịch và sự kiện, gần đây nhất là tham gia “Tuần lễ Lướt ván diều quốc tế và các sự kiện văn hóa, du lịch Ninh Hải - Ninh Thuận năm 2022” để khách du lịch đến tham quan và mua sắm.
Song song với kết nối tiêu thụ, quảng bá sản phẩm, hầu hết các cơ sở sản xuất đã tập trung đầu tư vào khâu chế biến, đa dạng hóa sản phẩm để nâng cao giá trị các sản phẩm OCOP. Nhìn chung các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất đã chủ động cải tiến bao bì, mẫu mã, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng, đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhằm nâng cao năng suất, gia tăng giá trị sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Nhiều chủ thể của sản phẩm OCOP đã mạnh dạn đưa trang thiết bị tiên tiến hiện đại vào sản xuất có thể kể đến như Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Ba Mọi ở thôn Hiệp Hòa, xã Phước Thuận (Ninh Phước) đầu tư máy chế biến sirô nho và rượu vang nho; HTX Nho Evergreen Ninh Thuận đầu tư hệ thống sấy nho lạnh; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại nông sản Thái Thuận, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) ứng dụng công nghệ bao gói khí điều biến để xử lý nho, táo sạch sau thu hoạch
Trong kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 do UBND tỉnh ban hành, phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có từ 120-140 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó phấn đấu có 2-3 sản phẩm tiềm năng 5 sao đề nghị trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia, phấn đấu có 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.
Theo đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN&PTNT: Để lan tỏa sản phẩm OCOP, trước hết các chủ thể có sản phẩm đạt chứng nhận cần duy trì sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Chúng tôi khuyến khích vấn đề nâng hạng sản phẩm, ví dụ sản phẩm 3 sao tiếp tục hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm tốt hơn để nâng lên 4 sao hoặc 5 sao. Đó là cách đảm bảo phát triển bền vững. Đối với sản phẩm OCOP đề nghị nâng hạng sao, tiếp tục củng cố nâng cao chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, liên kết chuỗi, phát triển thương hiệu, xúc tiến thương mại, hoàn thiện hồ sơ đề nghị đánh giá nâng hạng sao sản phẩm OCOP theo chu trình. Cùng với đó, các ngành chức năng tiếp tục tuyên truyền vận động các HTX, các cơ sở tham gia Chương trình OCOP giới thiệu sản phẩm của địa phương. Đồng thời, hỗ trợ, cung cấp thông tin thị trường, giúp các cơ sở tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử để mở rộng thị trường.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, thời gian tới, ngành Công Thương tiếp tục phát triển các sản phẩm cộng đồng, sản phẩm chủ lực có lợi thế ở mỗi địa phương, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP. Hình thành các điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các trung tâm thương mại, khu du lịch, khu đô thị và các trung tâm hành chính cấp tỉnh, huyện. Xây dựng website giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại, các hội chợ triển khai sản phẩm OCOP, các hội nghị liên kết và tiêu thụ sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh. Ưu tiên phát triển, đăng ký xác lập, bảo hộ và sở hữu trí tuệ nhãn hiệu hàng hóa đối với các sản phẩm OCOP. Tăng cường ứng dụng khoa học quản lý trong quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX sản phẩm OCOP.
Anh Thi