Khu vực phía Nam của tỉnh có vị trí, vai trò rất quan trọng và có nhiều tiềm năng, lợi thế để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh. Với mục tiêu xây dựng vùng KTTĐ phía Nam trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh, đầu năm 2022, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 15 về phát triển vùng KTTĐ phía Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Từ chiến lược đến hành động cụ thể, bước đầu triển khai thực hiện Nghị quyết số 15 của Tỉnh ủy đã tạo ra sức bật mới để khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế vùng KTTĐ phía Nam.
Có mặt trên công trường thi công Dự án nâng cấp đường Văn Lâm - Sơn Hải, chúng tôi cảm nhận được khí thế sản xuất hết sức khẩn trương. Ngay sau khi được bàn giao mặt bằng vào cuối năm 2021, các nhà thầu đã tập trung nhân, vật lực để đẩy nhanh tiến độ. Với 5 mũi thi công được triển khai đồng loạt, đến nay, các gói thầu đã hoàn thành khoảng 60% khối lượng. Tuyến đường đôi dài 13 km, 6 làn xe nối Quốc lộ 1 với đường ven biển đang dần hình thành, tạo điều kiện thuận lợi cho người và phương tiện đi, mở ra triển vọng phát triển du lịch vùng đất Mũi Dinh (xã Phước Dinh). Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, toàn dự án phấn đấu đạt và vượt tiến độ để thông tuyến vào đầu năm 2023, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối nội vùng cho vùng KTTĐ phía Nam của tỉnh.
Nhà máy Điện mặt trời Thuận Nam 19. Ảnh: V.M
Tại Khu công nghiệp Phước Nam, ngay sau khi hoàn thành các thủ tục pháp lý về đầu tư, đầu năm 2022 Công ty Cổ phần Đầu tư Phước Nam - Ninh Thuận đã khẩn trương đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước, nhà xưởng, kho bãi và khu xử lý nước thải. Đến nay, nhiều hạng mục quan trọng đã cơ bản hoàn thành và phấn đấu vượt tiến độ để sẵn sàng đón các nhà đầu tư thứ cấp. Với vị trí đắc địa, được kết nối với nhiều trục giao thông quan trọng như đường sắt, Quốc lộ 1 và cảng Cà Ná, bước đầu khu công nghiệp đã thu hút 15 nhà đầu tư thứ cấp đến đầu tư.
Theo UBND huyện Thuận Nam, với sự quan tâm của tỉnh, nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành, áp dụng nhằm tập trung nguồn lực thúc đẩy phát triển KT-XH vùng KTTĐ phía Nam. Địa phương cũng tận dụng, phát huy tối đa cơ chế, chính sách và hỗ trợ của tỉnh để phát huy lợi thế mang lại hiệu quả cao trong phát triển KT-XH. Sự khởi sắc của huyện Thuận Nam có thể thấy rõ qua một loạt những công trình, dự án trọng điểm mang tính chiến lược kinh tế của tỉnh và kết nối sâu giữa các địa phương trong khu vực. Đặc biệt, nhờ vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách đặc thù của trung ương cùng sự chỉ đạo, giúp đỡ, hỗ trợ của tỉnh trên nhiều phương diện, huyện Thuận Nam đã phối hợp kêu gọi đầu tư thành công và đưa vào vận hành 15 dự án điện mặt trời và 5 dự án điện gió với công suất hơn 1.500 MW, tạo ra sản phẩm mới, thúc đẩy phát KT-XH. Trong năm 2022, Dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná đã đưa vào vận hành bến cảng 1A, bước đầu tiếp nhận những tàu có trọng tải lớn vào bốc dỡ và tiếp nhận hàng hóa. Cùng với đó, Dự án nhà máy điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và Khu công nghiệp Cà Ná đang trong giai đoạn triển khai, hứa hẹn là đòn bẩy quan trọng để Thuận Nam từng bước định hình một “thủ phủ” công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh nhà.
Đồng chí Trương Xuân Vỹ, Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam cho biết: Nghị quyết số 15 của Tỉnh ủy xác định mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2021-2025 tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng bình quân 18-19%/năm; đến năm 2025 GRDP bình quân/người đạt khoảng 130 triệu đồng và tỷ trọng vùng KTTĐ phía Nam chiếm khoảng 28-29% GRDP của tỉnh. Đến năm 2030 phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026-2030 tăng 21-22%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 30-35 nghìn tỷ đồng; tỷ trọng vùng KTTĐ phía Nam chiếm 50%-51% GRDP của tỉnh. Đây là điều kiện để phát triển vùng KTTĐ phía Nam trở thành vùng kinh tế động lực, tăng trưởng xanh, có sức lan tỏa thúc đẩy KT-XH tỉnh nhà phát triển bền vững trong thời gian đến. Để thực hiện đạt các chỉ tiêu nêu trên, Tỉnh ủy đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để chỉ đạo thực hiện. Trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện, quản lý và thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế của vùng KTTĐ phía Nam. Huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, liên thông, đa mục tiêu, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, cảng biển. Tập trung phát triển các ngành: Công nghiệp - xây dựng, phát triển đô thị, thương mại - dịch vụ - du lịch, nông - lâm nghiệp và thủy sản. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn bền vững và phát triển.
Đồng chí Trương Xuân Vỹ cho biết thêm: Năm 2023 và những năm tiếp theo, huyện sẽ phối hợp với các cấp tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, kêu gọi thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các khu, cụm công nghiệp; có những chính sách ưu đãi phù hợp đối với nhà đầu tư; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất. Đồng thời huyện cũng sẽ chỉ đạo làm tốt công tác giải phóng mặt bằng thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Cà Ná và các dự án trọng điểm phía Nam; tiếp tục phát huy thành quả đạt được, để góp phần xây dựng tỉnh Ninh Thuận ngày càng thêm giàu đẹp.
Một mùa xuân lại về, sắc xuân tô thắm trên vùng KTTĐ phía Nam của tỉnh khi nơi đây ngày càng thay da đổi thịt và đang hình thành một khu phát triển kinh tế đầy năng động.
Mai Phương