Năm 2022, Bộ, ngành Tư pháp đã bám sát các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các nghị quyết, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thuộc lĩnh vực quản lý; đồng thời, bám sát mục tiêu, chương trình phát triển KT-XH của Quốc hội, Chính phủ và của từng địa phương. Việc triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, địa phương, các nhiệm vụ đột xuất thuộc lĩnh vực quản lý được ngành thực hiện chủ động, ban hành sớm và đạt nhiều kết quả nổi bật, nhất là trong công tác xây dựng pháp luật nói chung, thẩm định, rà soát văn bản quy phạm pháp luật nói riêng; công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật cơ bản hoàn thành Bộ Pháp điển sớm hơn so với lộ trình đề ra; công tác phổ biến giáo dục pháp luật tiếp tục đổi mới, bám sát yêu cầu đời sống thực tiễn, lấy người dân là trung tâm thụ hưởng; công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao hơn so với năm 2021. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tiếp tục được xây dựng và vận hành hiệu quả, duy trì kết nối, chia sẻ thông suốt với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Toàn ngành đã giải quyết kịp thời hàng triệu yêu cầu của người dân trong công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực. Công tác trợ giúp pháp lý có nhiều dấu ấn nổi bật khi lần đầu tiên nhiệm vụ về trợ giúp pháp lý được triển khai đồng bộ trong tất cả chương trình mục tiêu quốc gia… Những kết quả đạt được góp phần quan trọng vào phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước và từng địa phương.
Đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thảo luận làm rõ thực trạng, kết quả triển khai công tác Tư pháp tại địa phương, đơn vị thời gian qua, những khó khăn, hạn chế và đề xuất các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả nhiệm vụ công tác Tư pháp thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực và kết quả Bộ, ngành Tư pháp đạt được trong năm 2022. Đồng chí chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và đề nghị trong năm 2023, Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện và thể chế hóa, tham mưu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, chính xác các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; chủ động tham mưu và tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phối hợp các bộ, ngành rà soát, khắc phục các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự được Quốc hội, Chính phủ giao; đồng thời, nâng cao hiệu quả phòng ngừa và tăng cường năng lực tham mưu cho Chính phủ, bộ, ngành, địa phương trong giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện trong hoạt động đầu tư quốc tế, bảo đảm quyền lợi của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp; kiện toàn tổ chức bộ máy, hoạt động của các đơn vị thuộc bộ, cơ quan tư pháp, pháp chế, thi hành án dân sự các cấp bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Các bộ, ngành trung ương, địa phương quan tâm phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành Tư pháp góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Nhân dịp này, Bộ Tư pháp đã tặng cờ thi đua và bằng khen cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong triển khai nhiệm vụ công tác Tư pháp năm 2022.
Lâm Anh