Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn và được xem là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 theo chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Trên địa bàn tỉnh, chương trình lần đầu tiên được đánh giá vào năm 2020, đến nay tỉnh đã công nhận tổng 69 SP đạt chất lượng 3 sao, 4 sao và tiềm năng 5 sao; các sản phẩm đã được gắn nhãn hiệu OCOP Ninh Thuận - Nhãn hiệu thương mại và được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ; qua đó, góp phần khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Theo tài liệu hướng dẫn đánh giá, phân hạng SP đã ban hành, đồng chí đề nghị từng thành viên Hội đồng với tinh thần công tâm, khách quan đánh giá từng SP theo đúng với thứ hạng và giá trị mang lại, nhằm từng bước nâng cao vị thế SP OCOP trong tiêu dùng của xã hội.
Đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khảo sát các SP đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng SP OCOP.
Theo đó, tham gia đánh giá, phân hạng SP OCOP năm 2022, có 38 chủ thể ở 6/7 huyện, thành phố đăng ký tham gia, với 74 SP thuộc các nhóm ngành như: Đồ uống, thực phẩm chế biến, thủ công mỹ nghệ, trang trí, du lịch cộng đồng. Trong đó, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm có 30 SP, huyện Ninh Phước có 16 SP, Ninh Hải 10 SP, Thuận Nam 13 SP, Ninh Sơn 3 SP, Bác Ái 4 SP. Tại hội nghị các thành viên Hội đồng đã thảo luận, kiểm tra hồ sơ, bao bì, nhãn mác SP, yêu cầu các chủ thể thuyết trình, bổ sung các nội dung chưa đạt và tổ chức chấm điểm SP theo tiêu chí quy định.
Hồng Lâm