Nông dân Ninh Hải bao chùm quả nho, hạn chế tác động của thời tiết
và ngăn ngừa sâu bệnh hại quả.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, trong những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường trên địa bàn tỉnh có nhiều đợt mưa lớn, gây ngập cục bộ, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Theo thống kê của các địa phương, tình hình thiệt hại cây trồng do mưa gây ra trong những ngày qua trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích 515,3 ha; trong đó, cây lúa là 139,5 ha (64,5 ha bị thiệt hại trên 70% và 75 ha bị thiệt hại dưới 30%), cây rau màu 356,2 ha (hành, tỏi 146,3 ha, nha đam 73,7 ha, măng tây 5 ha và rau màu khác 131,2 ha). Địa phương bị thiệt hại diện tích lớn nhất là Tp. Phan Rang - Tháp Chàm 209,1 ha và huyện Ninh Hải 214 ha, tiếp đó là huyện Thuận Bắc 90 ha và huyện Ninh Phước 2,2 ha.
Ông Phạm Dũng, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Chúng tôi đã cử cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn, phối hợp với cộng tác viên mạng lưới bảo vệ thực vật cơ sở và chính quyền địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh kịp thời để duy trì, khôi phục sản xuất đạt hiệu quả. Đối với diện tích cây trồng bị ngập úng tại các xã trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn người dân kịp thời trong việc tiêu thoát nước, chăm sóc cày xới và phun thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ các đối tượng sâu bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại về năng suất; chủ động vệ sinh đồng ruộng để chuẩn bị sản xuất vụ đông - xuân 2022-2023.
Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, đối với diện tích lúa bị ngập, sau khi nước rút khẩn trương khơi thông dòng chảy, tiêu nước trong ruộng, không để cây trồng ngâm nước nhiều ngày, hạn chế bị các nấm gây bệnh như đạo ôn, khô vằn… phát sinh gây hại nặng ảnh hưởng đến sinh trưởng trên cây lúa. Đối với diện tích cây rau màu các loại, sau khi nước rút, nông dân cần vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng cho cây nhanh phục hồi. Khi đất khô ráo cần xới vun kịp thời để tạo độ thoáng cho đất tránh bị nghẹt rễ, kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK.... Đối với cây ăn quả (nho, táo) và cây công nghiệp lâu năm bà con cần tập trung xới nhẹ, phá váng lớp đất mặt (vùng tán cây) giúp đất thông thoáng, khắc phục tổn thương và tái sinh rễ mới. Những diện tích vườn cây đang đậu quả non hoặc quả trong giai đoạn phát triển, cần phun bổ sung phân bón lá có chứa Fe, Bo, Ca, Cu, B, Zn, .. tránh hiện tượng nứt, rụng quả. Quá trình chăm sóc, theo dõi thường xuyên vườn cây, kịp thời phát hiện cây bị long gốc, bệnh rễ do nấm gây ra và có biện pháp phòng trừ kịp thời. Cây bị long gốc cần được vun gốc, tưới thuốc trừ nấm theo đúng nồng độ và cách sử dụng của nhà sản xuất. Khi bộ rễ cây đã phục hồi, mới tiến hành bón phân hữu cơ kết hợp với phân khoáng, phun phân bón lá để tăng khả năng phục hồi của cây.
Người dân huyện Ninh Hải phun thuốc chăm sóc cây trồng. Ảnh: Phan Bình
Với cây trồng bị ảnh hưởng do mưa ngập, đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát, tổng hợp diện tích bị thiệt hại đề xuất biện pháp khắc phục. Tùy theo tình hình thực tế của mỗi địa phương, đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện hiệu quả các biện pháp khắc phục hậu quả sau mưa lũ. Ông Phạm Dũng cho biết thêm: Căn cứ Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai dịch bệnh, tỉnh đề xuất Trung ương xem xét hỗ trợ cho nông dân bị thiệt hại sản xuất do thiên tai gây ra để khôi phục sản xuất với tổng kinh phí 802,8 triệu đồng. Trong đó, cây lúa hỗ trợ 2 triệu đồng/ha đối với diện tích bị thiệt hại trên 70%, tổng kinh phí 129 triệu đồng; cây ăn quả lâu năm như nho, táo hỗ trợ 4 triệu đồng/ha đối với diện tích bị thiệt hại trên 70% là 19,6 ha, tổng kinh phí 78,4 triệu đồng; cây rau màu các loại hỗ trợ 2 triệu đồng/ha đối với 281 ha bị thiệt hại trên 70%, tổng kinh phí 563,4 triệu đồng; đối với diện tích 32 ha bị thiệt hại từ 30 -70% hỗ trợ 1 triệu đồng/ha, tương đương 32 triệu đồng. Ngoài ra, đề xuất hỗ trợ giống từ nguồn dự trữ quốc gia với tổng số lượng 57 tấn giống, gồm: 50 tấn giống lúa Đài thơm 8; 5 tấn giống bắp LVN10 và 2 tấn giống rau các loại.
Tính đến 12/12, tổng dung tích 22 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh đạt 411,55/414,29 triệu m3, đạt 99,33% dung tích thiết kế; trong đó, có 5 hồ xả lũ, 11 hồ nước tràn tự do. Dung tích hồ Đơn Dương (Lâm Đồng) 160,24/165 triệu m3, lưu lượng nước vào 32,03 m3/s, lưu lượng xả qua nhà máy 37,25 m3/s. Trong vụ mùa năm 2022 toàn tỉnh có tổng diện tích gieo trồng 23.158,2 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch trong vụ 22.627,5 ha. Đến thời điểm hiện nay, diện tích thu hoạch vụ mùa đã đạt 12.439 ha (cây lúa 3.559,9 ha, năng suất 55 tạ/ha; cây màu 8.979,1 ha). Theo kế hoạch sản xuất vụ đông - xuân 2022-2023, toàn tỉnh sẽ sản xuất và chuyển đổi cây trồng với tổng diện tích 27.000 ha; trong đó, cây lúa 17.363,7 ha và cây màu 9.636,3 ha. Đến nay, toàn tỉnh đã gieo 1.301,5 ha lúa, chủ yếu tại các địa phương: Thuận Nam 895 ha, Ninh Phước 188 ha, Ninh Sơn 180,5 ha và Tp. Phan Rang - Tháp Chàm 110 ha.
Với sự chỉ đạo sâu sát và hỗ trợ kịp thời của ngành Nông nghiệp, tin rằng các địa phương và nông dân trong tỉnh sẽ sớm phục hồi ổn định sản xuất trên vùng bị thiệt hại do mưa lớn, đồng thời chủ động chăm sóc cây trồng vụ đông- xuân 2022-2023 cho hiệu quả kinh tế cao.
Anh Tuấn