Hiệp hội Giống thủy sản tỉnh Ninh Thuận: Nhiều hoạt động góp phần thúc đẩy sản xuất giống thủy sản phát triển bền vững

Trong nhiệm kỳ qua, phát huy vai trò của tổ chức xã hội nghề nghiệp, Hiệp hội Giống thủy sản (GTS) tỉnh Ninh Thuận đã đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền, vận động hội viên (HV) ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng GTS sản xuất tại Ninh Thuận không ngừng được nâng cao.

Hiệp hội đã giúp các HV tiếp cận các quy định của Nhà nước, bảo đảm quyền lợi, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, đưa sản phẩm chất lượng đến người nuôi. Hoạt động có hiệu quả của Hiệp hội góp phần thúc đẩy nghề sản xuất GTS tỉnh nhà phát triển bền vững.

Trong giai đoạn 2018-2022, hoạt động sản xuất GTS gặp khó khăn do tác động của giá nguyên liệu đầu vào tăng, nhu cầu con giống của thị trường giảm nên giá con giống thấp. Để giúp HV tổ chức sản xuất có hiệu quả, Hiệp hội chú trọng làm tốt công tác phổ biến kiến thức, cung cấp thông tin thị trường, điểm sáng là thành lập website riêng và cập nhật công khai danh sách các thông tin của HV cung cấp con giống chất lượng cao để hộ nuôi dễ dàng tiếp cận mua được con giống tốt. Qua đó, từng bước xây dựng uy tín và thương hiệu của GTS Ninh Thuận. Hiệp hội còn tích cực khuyến khích HV nâng cấp cơ sở sản xuất GTS theo hướng nâng cao chất lượng, an ninh sinh học, an toàn dịch bệnh. Phân công nhiệm vụ cho các chi hội bám sát thực tiễn, tích cực phát triển thêm cơ sở sản xuất giống ở khu vực đã được tỉnh quy hoạch. Tổ chức các cơ sở dịch vụ hậu cần phục vụ cho người sản xuất trong tỉnh; liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất giống và nuôi thủy sản thương phẩm ở ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm, ổn định giá cả thị trường.

Các hộ gia đình nuôi tôm tại huyện Ninh Phước. Ảnh: Phan Bình

Thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh GTS, Hiệp hội đã chủ động phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản tỉnh và Trường Đại học Nha Trang tổ chức khóa học bồi dưỡng kỹ thuật sản xuất giống tôm he với sự tham gia của 45 học viên, nhằm tạo điều kiện cho các công nhân kỹ thuật thuộc các cơ sở sản xuất của HV tiếp cận kiến thức về các đặc điểm sinh học cơ bản và kỹ thuật nuôi tôm bố mẹ, cho tôm sinh sản, sản xuất thức ăn sống, ương ấu trùng, ương tôm giống, phòng trị bệnh và đảm bảo an toàn sinh học trong sản xuất tôm giống. Hiệp hội đã tuyên truyền, vận động HV hoàn thành tiêu chuẩn về điều kiện sản xuất, ương dưỡng GTS và đạt trên 80% HV được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng GTS. Đồng thời, hỗ trợ một số HV đang trong quá trình hoàn tất điều kiện cơ sở để được cấp giấy chứng nhận kịp thời đảm bảo sản xuất, kinh doanh không bị gián đoạn.

Với tình hình chung của cả nước, thời điểm năm 2021 bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch COVID-19 đã tác động xấu đến ngành Thủy sản. Trước thực trạng vận chuyển hàng hóa lưu thông giữa các tỉnh gặp khó khăn, Ban Chấp hành Hiệp hội đã chủ động phối hợp với ngành chức năng, các cấp chính quyền thực hiện các giải pháp tháo gỡ, khắc phục phù hợp nhất để hàng hóa đến tận tay người dân. Hiệp hội đã phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh tổ chức các buổi đối thoại hướng dẫn HV hoàn tất thủ tục đăng ký cơ sở đủ điều kiện sản xuất GTS; đồng thời, tổ chức các buổi giới thiệu tem truy xuất nguồn gốc thông minh ứng dụng trong hoạt động sản xuất, mua bán tôm giống.

Công tác hỗ trợ HV tiếp cận khoa học - kỹ thuật trong sản xuất GTS của Hiệp hội ngày càng đi vào chiều sâu. Cụ thể, Hiệp hội luôn tích cực phối hợp cùng các cơ quan chức năng để được chuyển giao khi có công nghệ mới vào sản xuất GTS; đề xuất các đề tài nghiên cứu khoa học; chủ trì tổ chức các hội thảo để cập nhật thông tin, kiến thức mới; hợp tác, hỗ trợ nhau về phát triển khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; nâng cao chất lượng giống, góp phần phát triển nghề sản xuất GTS. Hiệp hội tham gia cùng cơ quan quản lý quảng bá hình ảnh, thương hiệu tôm giống Ninh Thuận đến khách hàng thông qua các kênh truyền thông như Website, Facebook, Zalo…; khảo sát thị trường, tham dự các triển lãm chuyên ngành, các hội thảo, từng bước triển khai việc sử dụng thương hiệu tôm giống Ninh Thuận vào việc kinh doanh tôm giống của các HV.

Hoạt động hiệu quả của Hiệp hội GTS trong nhiệm kỳ qua đã góp phần để Chương trình xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống của cả nước tiếp tục được đẩy mạnh; năng lực, quy mô sản xuất tăng nhanh. Điểm nhấn là đã xây dựng được thương hiệu “Tôm giống Ninh Thuận”, đưa tỉnh ta đi đầu trong cả nước về nghiên cứu và sản xuất tôm giống bố mẹ, phục vụ ngành sản xuất tôm giống trong nước và xuất khẩu. Với việc được cấp nhãn hiệu chứng nhận “Tôm giống Ninh Thuận”, Hiệp hội đã phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức triển khai cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh, xây dựng chất lượng và hình ảnh tôm giống Ninh Thuận, qua đó giúp cho Hiệp hội ngày càng phát triển vững mạnh, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của ngành sản xuất GTS trên địa bàn tỉnh.

Ông Lê Văn Quê, Chủ tịch Hiệp hội GTS tỉnh Ninh Thuận, cho biết: Để góp phần vào thực hiện Đề án phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước, trong nhiệm kỳ 2022- 2027, Hiệp hội tiếp tục củng cố tổ chức hoạt động, phát triển HV nhằm tăng thêm sức mạnh, nâng cao vị thế của Hiệp hội. Chủ động phối hợp cùng các cơ quan chức năng để được chuyển giao công nghệ mới trong sản xuất GTS; phối hợp tổ chức các hội thảo, chuyên đề để cập nhật thông tin, kiến thức mới cho các HV. Tuyên truyền sâu rộng về bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Tôm giống Ninh Thuận” đến các HV, nâng cao trách nhiệm, bảo vệ uy tín và chất lượng cho hình ảnh tôm giống Ninh Thuận. Phát huy vai trò bảo vệ quyền lợi hợp pháp của HV; kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của HV phản ánh đến cơ quan có thẩm quyền đề nghị tháo gỡ. Khuyến khích HV nâng cấp cơ sở sản xuất GTS theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường, nhằm sản xuất ra con giống có chất lượng cao. Liên kết với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giống và nuôi thủy sản thương phẩm ở ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm cho các HV, ổn định giá cả thị trường...