Tuyến đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài khoảng 110 km, đi qua các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau; tổng vốn đầu tư khoảng 27.500 tỷ đồng. Để nhường đất cho dự án, có khoảng 3.800 hộ dân bị ảnh hưởng, hiện nay các cơ quan đã đền bù, giải phóng mặt bằng đạt khoảng 85% kinh phí, vượt tiến độ đề ra.
Khảo sát vị trí tuyến đường đi qua tỉnh Bạc Liêu tại xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết đây là dự án rất cần thiết, người dân đang mong đợi nên phải khẩn trương triển khai.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát công tác giải phóng mặt bằng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tuyến Cần Thơ - Cà Mau. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Việc xây dựng tuyến cao tốc phải ngắn nhất, thẳng nhất có thể, với phương châm “qua núi khoét núi, qua sông bắc cầu, qua đồng đổ đất”; nghiên cứu mở các nút giao phù hợp để mở ra không gian phát triển mới dọc tuyến cao tốc.
Thủ tướng yêu cầu, Bộ Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án đẩy nhanh khâu chuẩn bị đầu tư, xây dựng dự án tiền khả thi, chọn tư vấn thiết kế, thẩm định, phê duyệt, chọn nhà thầu thi công... kịp thời, khách quan, không chia cắt dự án, mỗi dự án phải có tổng thầu, đặc biệt trong quá trình đó tránh tiêu cực, tham nhũng. Cùng với đó, triển khai công tác giải phóng mặt bằng, bố trí điều hòa vốn còn thiếu do vượt tiến độ, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật liên quan.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát dự án đầu tư công tuyến đê biển Bạc Liêu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Các Bộ: Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các tỉnh, thành phố trong khu vực, khảo sát, chuẩn bị đủ vật liệu cho san lấp nền đường, trong đó nghiên cứu sử dụng cát biển vào hạng mục, với tỷ lệ, khối lượng phù hợp, cho phép. “Tài nguyên, khoáng sản là sở hữu toàn dân, Nhà nước quản lý, sử dụng chung, do đó không địa phương nào được có tư tưởng cục bộ”, Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng yêu cầu Ban Quản lý dự án phải đặt trụ sở văn phòng tại thực địa, bám sát hiện trường, không ở xa rời nơi triển khai dự án; lập kế hoạch tiến độ triển khai và giao ban hàng tuần, hàng tháng để thúc đẩy dự án. Trong đó, Ban Quản lý dự án có vai trò thay mặt Bộ Giao thông vận tải khớp nối, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, đơn vị để thực hiện; kịp thời đề xuất xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh, trong trường hợp các bộ, ngành, địa phương không xử lý, cho phép báo cáo trực tiếp Thủ tướng để xem xét.
Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi người dân di dời tái định cư cho biết, nơi tái định cư tốt hơn nơi ở cũ, đề nghị địa phương tiếp tục quan tâm, cuộc sống của người dân đảm bảo nơi mới tốt hơn nơi ở cũ, tạo sinh kế lâu dài cho người dân; cùng với đó, đề nghị người dân tiếp tục ủng hộ dự án, vì đây là công trình quan trọng góp phần phát triển toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vì chính cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát dự án Điện gió Hòa Bình 5, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng Chính phủ và Đoàn công tác thăm dự án điện gió và làm việc với các nhà đầu tư năng lượng tái tạo về phát triển năng lượng tái tạo tại Bạc Liêu và Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ cho biết, Việt Nam trong đó có tỉnh Bạc Liêu có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, cụ thể là điện gió, điện mặt trời vì đây là nguồn năng lượng sạch, không phải mua và không ai lấy mất của Việt nam.
Những năm qua, Việt Nam có cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, song hiện nay giá điện gió ở Việt Nam đang cao hơn so với thế giới và so với các nguồn điện khác. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư đang muốn đầu tư điện gió tại Việt Nam.
Theo Thủ tướng, về điện, có 5 yếu tố cấu thành gồm: nguồn điện, tải điện, sử dụng điện hiệu quả, phân phối điện và giá điện. Điện gió ở Việt Nam không những có giá cao, mà do các nhà đầu tư không đầu tư hệ thống truyền tải nên khi điện đến với người tiêu dùng thì bị đội giá cao.
Thủ tướng yêu cầu phải xem xét lại việc đầu tư điện năng lượng tại Việt Nam, đặc biệt là về giá điện gió. “Các nhà đầu tư điện năng lượng tái tạo đang có lãi cao, trong khi Nhà nước, người dân Việt Nam chịu giá điện cao; do đó phải xem xét lại để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà đầu tư, nhà nước, người dân”, Thủ tướng yêu cầu.
Bên cạnh đó, trong nước phải chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt nghiên cứu phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo. Trong đó chuyển giao công nghệ, sản xuất động cơ, turbine, cột gió, cánh quạt, các thiết bị khác… để giảm nhập khẩu, giảm giá thành điện. Các nhà đầu tư, địa phương nghiên cứu tổ chức mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn, “phát triển điện gió, kết hợp sản xuất hydrogen, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản...”.
Thủ tướng hy vọng, với quan điểm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; với các đề nghị của Thủ tướng được thực hiện, công nghiệp điện gió Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.
Theo TTXVN/Báo Tin tức