Mặc dù có chuyển biến tích cực so với năm 2021 (tỷ lệ HS đạt điểm TB trở lên 35,79%, TB điểm thi đạt 4,5 điểm), song so với mặt bằng chung của cả nước (tỷ lệ HS đạt điểm TB trở lên 80,66%, TB điểm thi 6,34 điểm) thì những con số nói trên vẫn còn khá thấp. Điều này cho thấy việc dạy và học môn LS tại tỉnh ta vẫn còn hạn chế, bất cập.
Cô và trò lớp 12TN1 Trường THPT Nguyễn Trãi (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) trong giờ học môn Lịch sử.
Để nâng cao chất lượng dạy học môn LS, đầu tháng 8/2022, đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì Hội nghị nâng cao chất lượng dạy học môn LS ở trường THPT. Tại hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi làm rõ thực trạng, phân tích nguyên nhân, đề xuất giải pháp góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn LS, nâng cao chất lượng môn LS trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và những năm tiếp theo. Tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chỉ đạo các trường đổi mới căn bản công tác quản lý dạy và học môn LS. Xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động dạy học gắn liền với thực tiễn. Đối với giáo viên (GV), cần đổi mới phương pháp sư phạm theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo, tích cực của HS và phù hợp với yêu cầu kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT; khuyến khích GV lồng ghép LS địa phương qua các bài lịch sử dân tộc và giáo dục tư tưởng, đạo đức, bồi dưỡng nhân cách cho HS; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, thiết kế bài giảng, khai thác các tranh ảnh, đồ dùng dạy học trực quan, gắn nội dung bài học với các buổi tham quan khu di tích LS... giúp cho giờ học LS hấp dẫn, sinh động, dễ tiếp thu. Các ban, ngành, đoàn thể liên quan quan tâm hỗ trợ thông tin tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, LS địa phương, lịch sử dân tộc; phối hợp, hỗ trợ các trường trong các hoạt động tham quan, trải nghiệm tại các di tích, bảo tàng...; đồng thời, tổ chức các hội thi, cuộc thi giúp HS tìm hiểu LS địa phương với những hình thức phù hợp.
Từ thực tế gần 15 năm giảng dạy và có nhiều năm liền tham gia bồi dưỡng, ôn thi tốt nghiệp môn LS cho HS lớp 12, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, GV Trường THPT Nguyễn Trãi (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), chia sẻ: Để dạy và học tốt môn LS, điều quan trọng và tiên quyết là người thầy phải thực sự đam mê để “truyền lửa” giúp học trò thay đổi cách nhìn nhận, chủ động hơn trong học tập, tiếp thu kiến thức. Khi đủ “đam mê”, người thầy cũng sẽ chủ động sáng tạo, đầu tư nội dung, hình thức bài giảng một cách khoa học, phù hợp, phát huy tính chủ động, sáng tạo của HS. Trong mỗi giờ lên lớp, tôi tập trung truyền đạt tới HS những phần kiến thức cơ bản và phân tích sâu ở những sự kiện LS quan trọng. Ngoài ra, để HS hiểu kỹ, nhớ lâu, hứng thú hơn trong học tập, tôi cũng chủ động thiết kế, sử dụng linh hoạt bài giảng điện tử, lồng ghép trò chơi, vẽ sơ đồ tư duy, cho HS tạo mô hình LS; đồng thời, đưa ra những câu hỏi cải thiện điểm số, đánh giá kết quả môn học trên cơ sở các bài kiểm tra kết hợp tinh thần, thái độ học tập của HS trong suốt quá trình học tập.
Giờ học môn Lịch sử của cô và trò Trường THPT Tháp Chàm. Ảnh: Phan Bình
Còn thầy giáo Lê Khánh Trình, GV môn LS Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Pi Năng Tắc (Bác Ái), cho rằng: Để nâng cao chất lượng dạy học môn LS, GV cần trau dồi kiến thức, chuẩn bị kỹ bài giảng, đồ dùng dạy học trước khi lên lớp. Trong mỗi tiết dạy, bản thân thầy giáo, cô giáo tích cực đổi mới phương pháp sư phạm phù hợp với từng nhóm đối tượng, phát huy tính tích cực, chủ động của HS. Ngoài ra, để tăng tính thuyết phục, tạo hứng thú cho HS, ở một số bài giảng, GV có thể ứng dụng công nghệ thông tin trình chiếu cho các em xem những hình ảnh, video tư liệu LS; hướng dẫn HS ôn tập kiến thức bám sát nội dung của sách giáo khoa, tuyệt đối không dạy tủ, học tủ. Khi đã hoàn thành kiến thức cơ bản, GV thiết kế các chủ đề học tập để ôn luyện kiến thức, hướng dẫn HS xây dựng sơ đồ tư duy, kỹ năng làm bài thi; tập trung rèn luyện nhiều hơn cho những HS có học lực còn yếu; quan tâm đôn đốc HS ôn bài mỗi ngày; đồng thời, hướng dẫn các em tìm kiếm các nguồn tư liệu tham khảo khác và cập nhật kiến thức thời sự, thực tiễn để trả lời các câu hỏi vận dụng cao.
“Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy việc dạy và học môn LS có tầm đặc biệt quan trọng. LS là hồn cốt của dân tộc. Việc dạy, học, tìm hiểu về LS không chỉ giúp người dân Việt Nam nói chung, HS nói riêng hiểu về cội nguồn của mình, mà còn bồi đắp, giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí tự tôn, tự hào dân tộc. Môn LS cũng giúp người học tích lũy kinh nghiệm, mở mang kiến thức. Tin rằng, từ những kinh nghiệm, giải pháp, bài học rút ra từ Hội nghị nâng cao chất lượng dạy học môn LS ở trường THPT, sự chỉ đạo sâu sát từ UBND tỉnh, Sở GD&ĐT, nhất là việc đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá của GV sẽ đưa LS trở thành môn học được các thế hệ học trò yêu mến, thích học, học tốt, học vì sự hiểu biết văn minh, cội nguồn dân tộc, nhân loại và đạt kết quả cao hơn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và những năm tiếp theo.
Phạm Lâm