Hỏi- Đáp về Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giám định Tư pháp

Hỏi: Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giám định Tư pháp (Luật Giám định Tư pháp) được Quốc hội thông qua ngày tháng năm nào? Luật có bao nhiêu chương và bao nhiêu điều? Theo quy định của Luật, giám định tư pháp được hiểu là gì? Người yêu cầu giám định gồm những người nào?

Đáp: Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giám định Tư pháp được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 18/6/2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định Tư pháp bao gồm 2 điều: Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định Tư pháp; Điều 2: Hiệu lực thi hành.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 1 của Luật Giám định Tư pháp, giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật. Như vậy, để bảo đảm tính thống nhất với quy định của pháp luật tố tụng và đáp ứng nhu cầu giám định của hoạt động tố tụng, phạm vi giám định tư pháp đã được mở rộng theo hướng giám định tư pháp được trưng cầu, thực hiện ngay từ giai đoạn “khởi tố”, thay vì từ giai đoạn điều tra vụ án hình sự như quy định hiện hành.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 1 của Luật Giám định Tư pháp, người yêu cầu giám định là người có quyền tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận. Người có quyền tự mình yêu cầu giám định bao gồm đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.”.

Hỏi: Tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự theo quy định của Luật Giám định Tư pháp, gồm những tổ chức nào?

Đáp: Tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự bao gồm:

a) Viện khoa học hình sự thuộc Bộ Công an;

b) Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh;

c) Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng;

d) Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử. Căn cứ vào nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương, Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh có giám định viên pháp y thực hiện giám định pháp y tử thi.”;

Luật đã bổ sung quy định về “Phòng giám định hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao”. Đây là tổ chức giám định tư pháp công lập mới có tính chất đặc thù, bên cạnh hệ thống tổ chức giám định kỹ thuật hình sự hiện hành. Đồng thời, bổ sung chức năng giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử cho tổ chức này để góp phần bảo đảm đáp ứng kịp thời yêu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử được thu thập ngày càng tăng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử các vụ án nói chung và các vụ án tham nhũng, kinh tế nói riêng.

Hỏi: Thời hạn giám định tư pháp trong trường hợp trưng cầu giám định được quy định như thế nào?

Đáp: Theo quy định tại khoản 16 Điều 1 của Luật Giám định Tư pháp thì thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định tư pháp được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp không thuộc quy định tại khoản 2 Điều này tối đa là 3 tháng. Trường hợp vụ việc giám định có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn thì thời hạn giám định tối đa là 4 tháng.

Bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định tư pháp căn cứ vào thời hạn giám định tối đa và tính chất chuyên môn của lĩnh vực giám định quy định thời hạn giám định tư pháp cho từng loại việc cụ thể. Thời hạn giám định tư pháp có thể được gia hạn theo quyết định của cơ quan trưng cầu giám định nhưng không quá một phần hai thời hạn giám định tối đa đối với loại việc đó.