Các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về công tác này, khắc phục những bất cập, vướng mắc đã phát sinh. Đồng thời, việc sửa đổi Luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm thích ứng với môi trường kinh doanh mới và đáp ứng các yêu cầu trong xu thế hội nhập quốc tế, thực hiện các cam kết mà Việt Nam là thành viên.
Điều chỉnh cả cá nhân và tổ chức
Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Mai Phương phát biểu ý kiến. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) cho rằng, dự thảo Luật vẫn chưa quy định đầy đủ, cân đối và hài hòa giữa lợi ích của các chủ thể tham gia trong quan hệ quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đáp ứng yêu cầu và mục đích đề ra.
Đại biểu chỉ rõ, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật có sự thay đổi rất lớn về phạm vi điều chỉnh khi đã sửa đổi khái niệm người tiêu dùng. Theo đó, người tiêu dùng trong dự thảo Luật chỉ gồm cá nhân mà không bao gồm tổ chức mua sắm hàng hóa và dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của tổ chức. Cho rằng lý do của việc không điều chỉnh đối với tổ chức trong dự thảo Luật là chưa thuyết phục, đại biểu không tán thành với sửa đổi này và đề nghị cần phải điều chỉnh đối với tổ chức.
Theo đại biểu, không phải khi nào người tiêu dùng là tổ chức cũng đủ khả năng để đối mặt được với các hành vi vi phạm từ phía nhà sản xuất, kinh doanh. Nếu Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không bảo vệ họ, quyền lợi của nhóm đối tượng này có thể bị xâm hại và gây thiệt hại chung cho xã hội. Bên cạnh đó, kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này dù tương đối khác nhau song nhiều nước vẫn điều chỉnh cả cá nhân, tổ chức cũng như nhóm cá nhân.
Đại biểu Triệu Thị Huyền (Yên Bái) nhấn mạnh, để tạo sự logic, phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, phù hợp với những trường hợp đặt ra trong thực tiễn, việc quy định khái niệm người tiêu dùng cần được định nghĩa bao gồm cả đối tượng là tổ chức.
Thực tế, việc mua hoặc sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không chỉ là hoạt động của cá nhân mà còn bao gồm việc tổ chức đứng ra đại diện cho nhiều người tiêu dùng. Từ đó, nếu xảy ra trường hợp các nhà cung cấp, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cung cấp các sản phẩm không đảm bảo chất lượng sẽ gây ra tổn hại lớn, trên quy mô rộng với nhiều người tiêu dùng. Do vậy, nếu chỉ định nghĩa người tiêu dùng là cá nhân mà không bao gồm tổ chức sẽ không đảm bảo sự điều chỉnh bao quát đối với những vấn đề xảy ra trong thực tiễn.
Đối với quy định về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương, đại biểu Triệu Thị Huyền cơ bản thống nhất với quy định về ưu tiên bảo vệ người tiêu dùng thuộc nhóm đối tượng yếu thế tại dự thảo Luật. Đồng thời, đại biểu cho rằng, những đối tượng yếu thế dễ bị kỳ thị, phân biệt đối xử trong hoạt động mua bán các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, cần được mở rộng thêm đến đối tượng là những người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, những người mắc các hội chứng suy giảm miễn dịch ở người (HIV/AIDS)… Do vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo rà soát, bổ sung thêm đối tượng người tiêu dùng nêu trên được ưu tiên bảo vệ để tạo sự bình đẳng trong quá trình mua bán, tiêu dùng.
Một số đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng người nghèo vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương tương tự Điều 3 Luật Phòng, chống thiên tai. Mặt khác, ban soạn thảo cần xem xét lại đối tượng “người cao tuổi” cho phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời nghiên cứu quy định cụ thể hơn chính sách bảo vệ phù hợp với từng nhóm đối tượng và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh có liên quan.
Về trách nhiệm của người tiêu dùng khi đưa ra thông tin
Cho ý kiến về nghĩa vụ của người tiêu dùng, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đề nghị ban soạn thảo xem xét, bổ sung nghĩa vụ tuân thủ các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với hàng hóa trong quá trình sử dụng theo quy định. Bởi trên thực tế, một số trường hợp người tiêu dùng lạm dụng quyền của mình dẫn tới ảnh hưởng lợi ích của cá nhân, tổ chức kinh doanh như đưa tin sai sự thật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Chính vì vậy, người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra và bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật.
Liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra, dự thảo Luật quy định, việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, không phải lúc nào thiệt hại cũng có thể xác định được ngay khi người tiêu dùng sử dụng hàng hóa.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân phát biểu ý kiến. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) phân tích, nếu ăn bữa cơm chứa chất 3-MCPD vượt tiêu chuẩn cho phép có khả năng gây nhiễm độc gan hay sử dụng sữa có chứa melamine trong thời gian dài có thể gây ung thư ruột. Những hậu quả, thiệt hại này khoa học hoàn toàn có thể chứng minh được…Tuy nhiên, hậu quả không phát sinh ngay khi người tiêu dùng sử dụng mà phải trải qua thời gian dài, có khi đến vài năm hay vài chục năm mới bộc phát. "Lúc đó, liệu người tiêu dùng có phải chờ đến khi có thiệt hại xảy ra mới có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại? Các tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng này còn tồn tại trên thị trường hay không để bồi thường cho người tiêu dùng?", đại biểu nêu quan điểm.
Từ đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung Điều 34 dự thảo Luật nội dung quy định, phải áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra cho người tiêu dùng không chỉ khi có thiệt hại thực tế xảy ra, mà ngay cả khi thiệt hại chưa xảy ra trên thực tế, chỉ cần có căn cứ chứng minh thiệt hại đó chắc chắn sẽ xảy ra.
Thảo luận về nội dung bảo vệ thông tin và sử dụng thông tin của người tiêu dùng, các ý kiến nhấn mạnh, theo dự thảo Luật, thông tin của người tiêu dùng có nội hàm rất rộng, bao gồm thông tin cá nhân của người tiêu dùng, thông tin về quá trình mua và sử dụng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của người tiêu dùng và các thông tin khác liên quan đến giao dịch của người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Trên thực tế, thông tin cá nhân của người tiêu dùng bị sử dụng vào rất nhiều bị mục đích khác nhau. Do đó, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đưa ra phạm vi về thông tin của người tiêu dùng cho phù hợp; quy định cụ thể hơn những chế tài để bảo vệ thông tin cá nhân cho người tiêu dùng để tránh bị lộ, lọt hoặc bị sử dụng thông tin trái phép.
Theo TTXVN/Báo Tin tức