Đẩy mạnh triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh

Để đẩy mạnh triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 đảm bảo hiệu quả, chất lượng, bền vững, ngày 4/11/2022, UBND tỉnh ban hành Công văn số 4811/UBND-KTTH về việc tập trung đẩy mạnh triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu theo Kế hoạch số 909/KH-UBND ngày 7/3/2022 triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2022, Kế hoạch số 4174/KH-UBND ngày 23/9/2022 triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025; trong đó, tập trung chỉ đạo rà soát, đánh giá hiện trạng xây dựng NTM các huyện, xã, thôn theo Bộ tiêu chí NTM các cấp huyện, xã, thôn giai đoạn 2021-2025, đặc biệt đối với các xã, thôn phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2022 theo kế hoạch cần tập trung rà soát, đánh giá các tiêu chí có bổ sung các nội dung mới, có yêu cầu cao hơn về chỉ tiêu, mức độ đạt chuẩn để có giải pháp cụ thể thực hiện, đảm bảo đáp ứng các quy định của tiêu chí. Các sở, ngành theo lĩnh vực, tiêu chí được phân công phụ trách có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ địa phương thực hiện hoàn thành các yêu cầu của tiêu chí.

Một góc xã Nông thôn mới Phước Thuận (Ninh Phước). Ảnh: Văn Nỷ

Việc rà soát, đánh giá hiện trạng xây dựng NTM các huyện, xã, thôn theo Bộ tiêu chí NTM các cấp huyện, xã, thôn giai đoạn 2021-2025 phải hoàn thành trước ngày 12/11/2022 và giao Văn phòng Điều phối NTM tỉnh theo dõi, đôn đốc các địa phương thực hiện và báo cáo, tham mưu đề xuất UBND tỉnh trước ngày 18/11/2022.

Đồng thời, khẩn trương hoàn thành công tác phân bổ vốn chi tiết cho các địa phương và đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình. Ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp thực hiện Chương trình, các địa phương cần lồng ghép với nguồn vốn địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện Chương trình.

Đẩy mạnh công tác truyền thông phục vụ Chương trình bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, sáng tạo với cách tiếp cận mới, tư duy mới nhằm thúc đẩy chuyển đổi tư duy, nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ cơ sở, người dân và cộng đồng dân cư nông thôn; phát huy tinh thần chủ động, tự nguyện, tự giác, cùng hợp tác, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM.

Triển khai đồng bộ, có hiệu quả 6 Chương trình chuyên đề trọng tâm gắn với xây dựng NTM. Triển khai vừa diện điểm, vừa diện rộng đối với các Chương trình mới như: Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM, Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM hướng tới xây dựng NTM thông minh... Đối với Chương trình OCOP cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao phải có sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao trở lên theo yêu cầu của Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao. Các Sở, ngành đóng vai trò chủ đạo trong việc thực hiện các Chương trình chuyên đề chủ động phối hợp với các địa phương và sở, ngành liên quan triển khai thực hiện.

UBND tỉnh cũng đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tăng cường giám sát, tuyên truyền vận động Nhân dân tích cực tham gia thực hiện xây dựng NTM; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lựa chọn những nội dung thiết thực để phối hợp vận động, khích lệ, động viên các tổ chức, cá nhân đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng NTM, trong đó chú trọng đến công tác giám sát việc bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đẩy mạnh việc nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng dân cư, góp phần giữ gìn an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn; tăng cường hoạt động phản biện đối với kết quả thực hiện Chương trình.

Văn phòng Điều phối NTM tỉnh chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức, năng lực cho cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp; tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Chương trình, báo cáo kịp thời những khó khăn, vướng mắc của địa phương trình Ban Chỉ đạo tỉnh, UBND tỉnh xem xét chỉ đạo giải quyết; theo dõi, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Chương trình theo định kỳ quy định...

UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố quyết tâm, quyết liệt chỉ đạo tăng tốc triển khai nghiêm túc, hiệu quả các nội dung Chương trình trên địa bàn tỉnh; định kỳ báo cáo UBND tỉnh (thông qua Văn phòng Điều phối NTM tỉnh) để xem xét chỉ đạo giải quyết kịp thời.