Chương trình Nghị sự 2030 đã công bố 17 mục tiêu phát triển bền vững nhằm kêu gọi hành động khẩn cấp của tất cả các quốc gia, kể cả quốc gia phát triển và đang phát triển, trong quan hệ đối tác toàn cầu. Các mục tiêu phát triển bền vững được xây dựng dựa trên và thay thế "Các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ", bắt đầu từ đầu thế kỷ 21, với một nỗ lực toàn cầu không chỉ chống đói nghèo mà còn tập trung vào bình đẳng giới và quyền con người cho tất cả mọi người.
Tiêu chuẩn là công cụ thúc đẩy phát triển bền vững
Ông Phùng Mạnh Trường, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhấn mạnh: Các tiêu chuẩn là công cụ đóng góp tích cực, hiệu quả cho một thế giới bền vững hơn. Vì vậy, việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn cần có sự ủng hộ và tham gia của tất cả các bên liên quan. Các tiêu chuẩn cho phép các doanh nghiệp đo lường chi phí, ảnh hưởng của các hoạt động và kết quả đạt được, thúc đẩy doanh nghiệp, linh hoạt, nhạy bén và có trách nhiệm hơn, tuân thủ chặt chẽ hơn các nguyên tắc thúc đẩy tính bền vững.
Ông Phùng Mạnh Trường cho rằng, mối liên hệ giữa Tiêu chuẩn và các Mục tiêu phát triển bền vững tuyên bố Luân Đôn về "Cam kết về khí hậu của Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế - ISO" đã được đại diện 165 quốc gia thành viên của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) thông qua vào tháng 9/2021 đã thể hiện rõ cam kết của ISO là thông qua việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn để đạt được Chương trình Nghị sự về khí hậu vào năm 2050.
Các tiêu chuẩn ISO đóng một vai trò quan trọng trong việc củng cố nền kinh tế toàn cầu, tạo niềm tin trên tất cả các khía cạnh của thương mại quốc tế. Một số tiêu chuẩn của ISO hỗ trợ thực hiện Chương trình nghị sự về khí hậu, giúp thích ứng với biến đổi khí hậu, định lượng phát thải khí nhà kính và thúc đẩy phổ biến các thực hành tốt trong quản lý môi trường. ISO đã tham gia vào Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững của Liên hợp quốc với mục đích nhằm biến đổi thế giới bền vững hơn, qua đó thúc đẩy các quốc gia thành viên nỗ lực để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn.
Các tiêu chuẩn cho phép chuyển các Mục tiêu phát triển bền vững thành các mục tiêu hoạt động có thể đạt được, đồng thời chuyển tải nhanh chóng sự đổi mới, công nghệ mới và thúc đẩy thương mại toàn cầu, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, nhà cung cấp dịch vụ và chính phủ trên toàn thế giới, đóng góp vào ba trụ cột của sự bền vững: kinh tế, môi trường và xã hội. Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế ISO đã đi tiên phong trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Thời gian tới, Việt Nam cần phải sử dụng cách tiếp cận này để xác định rõ hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) liên kết và hỗ trợ thực hiện 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Đây cũng là một công cụ để nâng cao nhận thức của mọi người về các Mục tiêu phát triển bền vững, hiểu rõ các giá trị và lợi ích mà các tiêu chuẩn quốc gia đóng góp cho các Mục tiêu phát triển bền vững.
Tiêu chuẩn với xu hướng chuyển dịch năng lượng
Nhà máy điện mặt trời của Công ty TNHH MTV Năng lượng Thái Bình Dương ở KCN Bình Hoà, huyện Châu Thành (An Giang ), được xây dựng trên diện tích hơn 12ha, tổng vốn đầu tư 250 tỷ đồng, công suất 10 MW. Ảnh (minh họa): Vũ Sinh/TTXVN
Ông Đỗ Mạnh Toàn, Điều phối quốc gia, Quỹ Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á, Văn phòng Dịch vụ dự án Liên hợp quốc nhấn mạnh: Việt Nam là một trong những quốc gia đóng vai trò tiên phong trong các hoạt động chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Việt Nam đã ký thỏa thuận Glasgow cam kết xây dựng hệ thống năng lượng và nền kinh tế phát thải carbon thấp, đồng thời cam kết các mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính theo tuyên bố Paris. Đặc biệt, tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu lần thứ 26, Việt Nam đã tuyên bố mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là một cam kết lớn, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc chung tay cùng các quốc gia trên toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Để thực hiện cam kết, Việt Nam cần các giải pháp đồng bộ về chính sách, kỹ thuật và tài chính để tạo ra các kết quả đột phá, toàn diện và có tác động dài hạn trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ năng lượng. Quỹ đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) cam kết cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cần thiết cho chính phủ các quốc gia Đông Nam Á, bắt đầu với Việt Nam, Indonesia và Philippines để thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng và phát thải ròng bằng 0 tại khu vực Đông Nam Á. Quỹ đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á cũng xây dựng chương trình hoạt động và các dự án dựa trên nhu cầu của các đối tác nhằm tăng tính linh hoạt và khả năng đáp ứng một cách nhanh nhất các yêu cầu hỗ trợ trong chuyển dịch năng lượng.
Ông Đỗ Mạnh Toàn cho rằng, tại Việt Nam, thông qua quá trình tham vấn với các đối tác Việt Nam, Quỹ đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á cam kết hỗ trợ và tài trợ hơn 10 hoạt động hỗ trợ kỹ thuật với các Bộ Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, Ban Kinh tế Trung ương với các hoạt động đa dạng từ hỗ trợ rà soát, khuyến nghị chính sách, phát triển thị trường carbon, thuế carbon, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật, các hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực cho các cấp lãnh đạo và truyền thông về chuyển dịch năng lượng cho người dân. Quỹ đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á hiểu được vai trò quan trọng của Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lượng Chất lượng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng, đặc biệt thông qua việc xây dựng các tiêu chuẩn cho các công nghệ phát thải carbon thấp và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Căn cứ vào các ưu tiên của chính phủ Việt Nam đối với lĩnh vực năng lượng.
Văn phòng Dịch vụ dự án Liên hợp quốc (UNOPS) cùng với Quỹ đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia về tiêu chuẩn kỹ thuật cho các thiết bị điện gió ngoài khơi, xây dựng tiêu chuẩn dành cho hệ thống pin lưu trữ năng lượng. Đồng thời, Văn phòng phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật trong Chương trình làm mát xanh quốc gia. Ngoài ra, Văn phòng Dịch vụ dự án Liên hợp quốc, Quỹ đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đang xây dựng chương trình truyền hình truyền thông hướng tới đối tượng là người dân nhằm nâng cao nhận thức về các chủ đề liên quan đến chuyển dịch năng lượng.
Các bộ tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ góp phần thúc đẩy hiệu quả việc nhập khẩu, tiến tới sản xuất trong nước các trang thiết bị kỹ thuật và sản phẩm công nghệ liên quan đến ngành năng lượng, đưa các sản phẩm của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu, giảm chi phí nhập khẩu thiết bị, chi phí đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng đồng thời ngăn chặn có hiệu quả việc nhập khẩu các thiết bị kém chất lượng nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo TTXVN/Báo Tin tức