Tôi cũng nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, với nhận định: “Chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ: Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả”.
Vì thời gian có hạn, xin có ý kiến, kiến nghị nhằm tạo điều kiện, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng và kinh tế quốc gia.
Thứ nhất, về công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện Luật. Theo báo cáo Số 336, ngày 14/10/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XV, có nêu: kỳ họp thứ 3, Chính phủ, các Bộ, ngành đã tiếp nhận 2.524 kiến nghị và đã trả lời 2.482 kiến nghị (đạt 98,3%). Theo tôi, Trong 1 kỳ họp mà nhận được số lượng kiến nghị như vậy là nhiều, cần nghiên cứu có giải pháp làm giảm kiến nghị. Việc trả lời kiến nghị của cử tri đạt 98,3%, có thể nói đây là việc làm hết sức trách nhiệm của các bộ, ngành, Chính phủ.
Đồng chí Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Ninh Thuận phát biểu tại nghị trường.
Tuy nhiên, theo Báo cáo, từ Quốc hội khóa 14 đến nay, vẫn còn 614 kiến nghị chưa có kết quả giải quyết; các kiến nghị về việc ban hành các văn bản qui phạm pháp luật còn chưa minh bạch, chưa cụ thể, rõ ràng, gây khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện. Tôi thấy, các kiến nghị cũng khá lâu, nhưng chậm tháo gỡ, rất cần Chính phủ, các bộ, ngành sớm rà soát tháo gỡ, khơi thông sự tắt nghẽn, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương làm tốt công tác quản lý nhà nước, thu hút đầu tư cho phát triển. Đồng thời, các cơ quan của Quốc hội cần tăng cường hơn nữa công tác giám sát việc ban hành các văn bản dưới luật, kịp thời có ý kiến nếu có việc ban hành văn bản không đúng với tinh thần, quy định của Luật.
Thứ Hai, các Bộ, ngành Trung Ương cần phối hợp tích cực với các địa phương, kịp thời tiếp nhận, hướng dẫn, giải quyết thoả đáng các ý kiến, kiến nghị của địa phương khi gặp khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, đất đai, tài nguyên và môi trường. Làm tốt việc này sẽ hỗ trợ tích cực cho các địa phương, giúp những người thực thi công vụ tự tin, mạnh dạn làm việc.
Thứ Ba, Đối với các địa phương có nguồn thu ngân sách còn khó khăn, Trung ương phải điều tiết; khả năng, nguồn lực để kêu gọi, thu hút đầu tư còn hạn chế, nhưng địa phương có tiềm năng, lợi thế để phát triển thì rất cần sự hỗ trợ từ trung ương. Tôi nghĩ, khi được đầu tư của Trung Ương đủ mạnh, tạo đà cho địa phương phát triển, thì sẽ thúc đẩy, lan toả phát triển kinh tế vùng, kinh tế quốc gia. Cụ thể như Ninh Thuận, tỉnh có nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhưng rất có tiềm năng, lợi thế về biển, với 105 km bờ biển và 115km đường ven biển; dồi dào nắng và gió, thuận lợi để phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…
Theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ, thì Cảng biển tổng hợp Cà Ná tỉnh Ninh Thuận được xác định là Cảng biển loại II có trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cảng biển tổng hợp Cà Ná được coi là động lực, đột phá phát triển, không chỉ cho Ninh Thuận mà còn cho cả khu vực Duyên Hải nam trung bộ, Tây nguyên, hướng đến là điểm trung chuyển hàng hóa cho cả khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên; là nhân tố quan trọng, đáp ứng điều kiện thành lập khu kinh tế ven biển theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cần phải nghiên cứu. Đầu tư hạ tầng Cảng biển, Cảng nước sâu Cà Ná cho Tàu có tải trọng 100.000 tấn đến 300.000 và đầu tư Đường giao thông kết nối liên vùng từ Cảng tổng hợp Cà Ná đến các tỉnh Nam Tây Nguyên sẽ kéo theo sự phát triển của nhiều lĩnh vực quan trọng như: công nghiệp, kinh tế biển, đô thị biển, năng lượng, logistics, dịch vụ cảng biển… và như vậy sẽ góp phần giải tỏa áp lực của các cảng biển khác. Vừa qua, Thủ Tướng Chính phủ đã đồng ý nguyên tắc nghiên cứu sân bay Thành Sơn, Ninh Thuận thành sân bay lưỡng dụng vừa dân sự kết hợp quốc phòng. Ninh Thuận rất phấn khởi, kính mong các Bộ, ngành trung ương tiếp tục quan tâm để sớm trở thành hiện thực. Khi có sân bay lưỡng dụng, là điều kiện thúc đẩy kêu gọi, thu hút được nhiều nhà đầu tư về Khu công nghiệp, du lịch, đô thị …. Góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Tạo điều kiện, cơ hội cho tỉnh được phát triển, sánh vai cùng các tỉnh bạn. Khi Ninh Thuận phát triển, cũng sẽ giảm nguồn chi điều tiết của Trung Ương.
Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.