Cục Quản lý xuất nhập cảnh phản hồi thông tin sai lệnh về cấp thị thực điện tử

Ngày 25/10, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) đã có phản hồi liên quan đến một số thông tin sai lệch về việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài; đồng thời nhấn mạnh, thủ tục đề nghị cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam thể hiện rõ sự cải cách thủ tục hành chính, đổi mới mạnh mẽ theo hướng đơn giản hóa.

Theo Cục Quản lý xuất nhập cảnh, thời gian qua, một số doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng đăng thông tin sai lệch trên một số trang web, trang mạng xã hội để thu thêm phí cấp thị thực điện tử. Do đó, Cục Quản lý xuất nhập cảnh khuyến cáo: Người đề nghị cấp thị điện tử cần tìm hiểu thông tin, truy cập đúng Trang thông tin cấp thị thực điện tử và nộp lệ phí cấp thị thực qua hệ thống thanh toán trực tuyến (mức phí là 25 USD theo quy định của Bộ Tài chính).

Từ đầu năm 2020, thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc hạn chế nhập cảnh đối với người nước ngoài để phòng, chống dịch COVID-19 nên việc cấp thị thực điện tử chỉ tạm dừng. Từ ngày 15/3/2022, sau khi Việt Nam chuyển sang trạng thái bình thường mới, khôi phục các chính sách về xuất nhập cảnh như trước khi có dịch, việc cấp thị thực điện tử đã được tiếp tục triển khai góp phần tạo thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, nhất là đối với khách du lịch quốc tế. Tính từ 15/3/2022 đến nay, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã tiếp nhận và xét cho 459.000 trường hợp nhập cảnh thị thực điện tử.

Hành khách làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN

Theo Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật số 51/2019/QH14, có hiệu lực từ 1/7/2020), việc áp dụng thị thực điện tử với công dân của các nước có điều kiện: Có quan hệ ngoại giao với Việt Nam; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ; không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam. Chính phủ quyết định danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử; danh sách các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử. Hiện nay, danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử quy định tại Nghị quyết số 79/NQ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ, gồm 80 nước đã được thí điểm, nay áp dụng chính thức.

Thời gian tới, Cục Quản lý xuất nhập cảnh sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ Công an phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan báo cáo, đề xuất Chính phủ mở rộng các nước có công dân được cấp thị thực điện tử.

* Thủ tục thông thoáng

Để tạo thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, nhất là góp phần phát triển du lịch, thu hút đầu tư, từ năm 2016, Bộ Công an đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2016/QH14 ngày 26/11/2016 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, thực hiện thí điểm từ ngày 1/2/2017.

Sau thời gian thực hiện thí điểm, với những kết quả tích cực đã đạt được, việc cấp thị thực điện tử đã được Luật hóa theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật số 51/2019/QH14, có hiệu lực từ 1/7/2020).

Theo đó, thủ tục đề nghị cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam thể hiện rõ sự cải cách thủ tục hành chính, đổi mới mạnh mẽ theo hướng đơn giản hóa. Người nước ngoài có thể tự đề nghị cấp thị thực điện tử mà không cần có cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong nước mời, bảo lãnh, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài có nhu cầu vào tìm hiểu thị trường, đầu tư… mà chưa có điều kiện liên hệ cơ quan, tổ chức ở trong nước.

Về thủ tục đề nghị cấp thị thực điện tử: Toàn bộ quá trình từ đề nghị cấp thị thực điện tử đến xử lý, giải quyết và nhận, in thị thực điện tử đều được thực hiện thông qua phương tiện điện tử, việc nộp lệ phí thị thực cũng được trực tuyến qua thanh toán điện tử, góp phần hiện đại hóa thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian, giảm bớt các thao tác đối với người đề nghị cũng như cán bộ xử lý. Người nước ngoài có thể tự tin in thị thực thông qua hệ thống giao dịch điện tử, không phải làm thủ tục nhận thị thực tại cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực ở Việt Nam, ở nước ngoài hoặc tại cửa khẩu quốc tế, không phải qua khâu trung gian. Thời hạn giải quyết cấp thị thực điện tử, theo quy định 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ thông tin đề nghị cấp thị thực điện tử và phí cấp thị thực, Cục Quản lý xuất nhập cảnh xem xét, giải quyết, trả lời người đề nghị cấp thị thực điện tử tại Trang thông tin cấp thị thực điện tử.

Người nước ngoài được cấp thị thực điện tử có thể nhập cảnh Việt Nam với các mục đích phù hợp với pháp luật Việt Nam và được phép chuyển đổi mục đích trong một số trường hợp như: Có giấy tờ chứng minh là nhà đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam; có giấy tờ chứng minh quan hệ là cha, mẹ, vợ, chồng, con với cá nhân mời bảo lãnh; có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

Như vậy, so với các thủ tục cấp thị thực điện tử của Việt Nam khá thông thoáng. Hiện nay, có khoảng 30 nước trên thế giới áp dụng cấp thị thực điện tử, với nhiều hình thức và điều kiện cụ thể khác nhau của mỗi nước, có nước chỉ áp dụng ở khâu tiếp nhận, có nước chỉ áp dụng hình thức thị thực bằng dữ liệu điện tử, thời gian giải quyết thường tương đối dài, nhiều nước còn yêu cầu chứng minh tài chính, phỏng vấn, lăn tay…

Theo TTXVN/Báo Tin tức