Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV:

Làm rõ quy định tự chủ tài chính của đơn vị y tế công lập

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 24/10, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.

Buổi chiều, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Quy định giá khám, chữa bệnh phù hợp với thực tiễn quản lý giá

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Tạ Văn Hạ phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Thảo luận tại Hội trường, đại biểu Tạ Văn Hạ (tỉnh Quảng Nam) cho rằng, một số quy định mới về cơ sở khám, chữa bệnh công lập; vấn đề xã hội hóa; giá dịch vụ; phân cấp chuyên môn; giấy phép hành nghề; khám, chữa bệnh từ xa; vấn đề dinh dưỡng trong khám, chữa bệnh... trong dự thảo Luật, vẫn chưa cụ thể hóa các mục tiêu Nghị quyết 20/NQ-TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Nhấn mạnh cơ chế tài chính là vấn đề hết sức quan trọng đối với hoạt động khám, chữa bệnh, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho biết, đây cũng là vấn đề pháp luật còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chưa đầy đủ dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện. Trong khi đó, các cơ sở y tế công lập hiện đang gặp khó khăn trong việc thực hiện tự chủ. Dự thảo Luật có mục về tài chính khám, chữa bệnh nhưng lại chưa có điều khoản quy định về thực hiện tự chủ tại đơn vị y tế công lập. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm điều khoản quy định về tự chủ tài chính đối với đơn vị y tế công lập, trong đó, cần quy định xác định mức độ tự chủ, nguyên tắc phân loại, phân tiêu chí, phân loại mức độ tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, mức độ tự chủ tương ứng với tỷ trọng dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước hay tỷ lệ đảm bảo kinh phí; đồng thời cần đi kèm tự chủ về mặt chuyên môn, nhân lực, quyền được mua sắm đấu thầu...

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Trần Khánh Thu phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Tại phiên thảo luận sáng 24/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã giải trình, làm rõ một số vấn đề liên quan đến dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đại biểu Quốc hội nêu.

Về hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh và phân cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám, chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, hiện dự thảo Luật đưa ra 3 cấp chuyên môn kỹ thuật với quy định liên quan đến phạm vi hoạt động của mỗi cấp và giao Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn việc phân cấp cụ thể hệ thống này. Phương án này đã thể chế hóa quan điểm của Đảng về phân cấp cơ sở khám, chữa bệnh thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật là ban đầu, cơ bản, chuyên sâu.

"Việc phân thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật sẽ thiết lập được hệ thống chuyển tuyến theo cấp độ chuyên môn và đảm bảo sự kết nối trong cung ứng dịch vụ y tế giữa các cấp chăm sóc. Phương án này tạo tiền đề cho việc đầu tư phát triển y tế cơ sở; bảo đảm tính liên thông, liên tục về khám, chữa bệnh giữa các cơ sở khám, chữa bệnh. Đồng thời, khắc phục được một số tồn tại, bất cập liên quan đến cách thức và tiêu chí phân hạng bệnh viện hiện nay cũng như bất cập liên quan đến thanh toán bảo hiểm y tế. Điều quan trọng nữa, với phương án này, không làm xáo trộn hệ thống khám, chữa bệnh hiện hành và có thể áp dụng ngay sau khi Luật được ban hành do vẫn giữ nguyên hệ thống tổ chức quản lý cơ sở khám, chữa bệnh theo 4 tuyến theo cấp hành chính; bảo đảm tính linh hoạt, chủ động trong điều hành", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Về giá khám, chữa bệnh, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, dự thảo Luật quy định các loại chi phí làm căn cứ để tính giá khám, chữa bệnh và quy định thẩm quyền ban hành giá đối với cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân. Việc quy định này có các ưu điểm: Khắc phục được tình trạng giá khám, chữa bệnh chưa được tính đúng, tính đủ các yếu tố hình thành giá như hiện nay; quản lý thống nhất giá đối với tất cả cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước trên toàn quốc và phù hợp với quy định của pháp luật về giá; phù hợp với thực tiễn quản lý giá hiện nay là doanh nghiệp tư nhân có mức đầu tư khác so với các cơ sở của Nhà nước...

Hoàn thiện các quy định về phòng, chống rửa tiền

Đoàn đại biểu TP Hải Phòng, tỉnh An Giang và tỉnh Bình Dương thảo luận ở tổ. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trong phiên làm việc chiều 24/10, thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm đến dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Các ý kiến bày tỏ sự nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước; đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế. Các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi sẽ góp phần khắc phục những bất cập của luật hiện hành; bảo đảm an ninh, an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia; tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục thiếu hụt về cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt... Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các nội dung tại dự thảo Luật, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các luật có liên quan.

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn (Hải Dương) quan tâm tới vấn đề về ban hành quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền quy định tại Điều 24. Theo đó, đối tượng báo cáo là doanh nghiệp siêu nhỏ, cá nhân phải ban hành quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền có nội dung theo quy định tại các điểm a, b, c, đ, e và g khoản 1 Điều này. Đại biểu phân tích, với loại hình doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ vẫn phải thực hiện 6/10 nội dung về ban hành quy định nội bộ. Như vậy, tính hình thức của quy định này khá cao, không cần thiết, không hiệu quả, tốn kém chi phí xã hội. Do đó, nên giao Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản mẫu để mang tính chất tham khảo cho các doanh nghiệp sẽ phù hợp và khả thi hơn.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định một số dấu hiệu đáng ngờ cơ bản. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc quy định dấu hiệu đáng ngờ trong một số ngành, lĩnh vực như vậy là vẫn mang tính định tính, khó xác định. Do đó, cơ quan soạn thảo cần quy định cụ thể, rõ ràng, tránh chung chung để đảm bảo tính thống nhất với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đảm bảo tính khả thi của dự thảo Luật.

Góp ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, đại biểu Phạm Thị Thanh Trà (Yên Bái), Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, đây là một việc rất cần thiết, xuất phát từ chủ trương của Đảng, yêu cầu tập trung siết chặt kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trong yêu cầu của nhiệm vụ, tình hình mới; đảm bảo khi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật về Đảng thì đồng thời phải xử lý kỷ luật về mặt hành chính.

Về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), các đại biểu đã cho ý kiến tập trung vào các nội dung: Về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp; về khách mời dự kỳ họp; về tài liệu của kỳ họp; về hình thức họp trực tuyến và kết hợp giữa họp trực tuyến và họp trực tiếp...

Theo TTXVN/Báo Tin tức