Tập trung giải ngân, đảm bảo kế hoạch tín dụng chính sách xã hội

Với quyết tâm hoàn thành đúng kế hoạch (KH) tăng trưởng tín dụng trong năm 2022, từ đầu năm đến nay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã tham mưu cho Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH và chủ động phối hợp với các địa phương tập trung rà soát, thực hiện giải ngân vốn tín dụng ưu đãi đến các đối tượng thụ hưởng.

Để các chương trình cho vay đạt kết quả cao, Chi nhánh NHCSXH tỉnh chỉ đạo các hệ thống Phòng giao dịch (PGD) NHCSXH tăng cường các giải pháp củng cố, duy trì ổn định hoạt động tại 65 điểm giao dịch xã, phối hợp cùng với các hội, đoàn thể nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn khẩn trương tổ chức họp bình xét, thực hiện cho vay đảm bảo dân chủ, công khai trong các buổi giao dịch hằng tháng, tạo thuận lợi cho hộ vay kịp thời có vốn sản xuất, kinh doanh. Đến cuối tháng 9/2022, tổng nguồn vốn hoạt động của toàn chi nhánh đạt trên 2.835 tỷ đồng, tăng 340,25 tỷ đồng so với KH đầu năm. Lũy kế cho vay từ đầu năm đến nay được 756,5 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ các chương trình tín dụng hiện đạt trên 2.794 tỷ đồng, tăng 269 tỷ đồng so với đầu năm, với trên 76.000 khách hàng vay vốn.

Vốn tín dụng chính sách đồng hành cùng người dân huyện Thuận Bắc
trong đầu tư phát triển sản xuất.

Hầu hết các chương trình cho vay đều được lồng ghép với chuyển giao khoa học - kỹ thuật, giúp hộ vay tạo lập các mô hình sản xuất ổn định, nhất là ở khu vực miền núi. Chị Chamaléa Thị Dem, ở thôn Chà Panh, xã Phước Hòa (Bác Ái) phấn khởi: Vốn tín dụng ưu đãi đã đồng hành cùng gia đình được 6 năm nay, với 80 triệu đồng vay từ chương trình hộ nghèo và hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, mình đầu tư nuôi ban đầu 5 con bò, nhờ chăm sóc tốt đến nay đã phát triển đàn bò lên 20 con; chăn nuôi hiệu quả, giúp gia đình xây được nhà cửa khang trang và tích lũy được một số vốn làm ăn.

Để hộ vay chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về tín dụng chính sách xã hội, PGD NHCSXH các huyện, thành phố còn tích cực phối hợp với các ngành, đoàn thể phổ biến các nội dung cho vay mới, quyền lợi và trách nhiệm sử dụng vốn và thực hiện đầy đủ quy định trả nợ gốc, lãi, thu hồi nợ đến hạn... Nhờ đó chất lượng tín dụng luôn ổn định, doanh số thu hồi nợ từ đầu năm đến nay đạt 486,5 tỷ đồng, chiếm trên 70% doanh số cho vay.

Cùng với đó, thực hiện cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Tính đến cuối tháng 9/2022, cho vay được hơn 124 tỷ đồng/2.871 hộ; trong đó, cho vay giải quyết việc làm đã hoàn thành 100% KH giao, với 100 tỷ đồng/1.995 lao động; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mua máy tính học trực tuyến 9,588 tỷ đồng/808 hộ, đạt 62,87% KH; cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập 44 cơ sở/3,335 tỷ đồng, đạt 41,6% KH; cho vay nhà ở xã hội 11,089 tỷ đồng/24 hộ, đạt 35,6% KH. Riêng đối với chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chi nhánh thường xuyên phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương rà soát, xác nhận, phê duyệt danh sách đối tượng để làm cơ sơ cho vay theo quy định. Qua tổng hợp sơ bộ, hiện nay số hộ thuộc diện đối tượng được vay vốn là 813 hộ/32,270 tỷ đồng, Chi nhánh đang tập trung chỉ đạo các PGD tiến hành giải ngân trong tháng 10 năm nay.

Ông Lê Minh Lộc, Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh NHCSXH tỉnh, cho biết: Nhằm thực hiện song song chương trình cho vay hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác và cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đạt hiệu quả từ nay đến cuối năm, đơn vị tiếp tục bám sát các nhiệm vụ chính trị của ngành, tập trung nâng cao chất lượng hoạt động nhận ủy thác của hội, đoàn thể, điểm giao dịch xã để đẩy nhanh quá trình giải ngân chỉ tiêu vốn giao trong năm. Sau khi vốn đến các đối tượng thụ hưởng, NHCSXH cùng với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo đồng vốn phát huy đúng mục đích.