Nghị sĩ kêu gọi Mỹ tham gia giải quyết tranh chấp Biển Đông

Hôm 13-6 vừa qua, Nghị sĩ Jim Webb (ảnh) đã trình lên Thượng viện Mỹ dự thảo nghị quyết lên án thái độ của Trung Quốc tại Biển Đông, đồng thời kêu gọi Mỹ có hành động trong các diễn đàn đa phương để giải quyết tranh chấp.

Bản nghị quyết của ông Webb có tên "Kêu gọi một giải pháp đa phương và hòa bình đối với các tranh chấp lãnh hải tại Đông Nam Á". Nghị sĩ dành phần đầu của bản dự thảo nghị quyết để nhắc lại các diễn biến căng thẳng mới đây tại Biển Đông, với một loạt các va chạm giữa tàu của Trung Quốc và các tàu của Việt Nam, Philippines.

Đặc biệt, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ nhấn mạnh rằng các vụ việc tàu Trung Quốc cắt cáp và cản trở hoạt động của các tàu Việt Nam xảy ra trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế trên thềm lục địa của Việt Nam.

Ông Webb cũng nhắc lại các hành động trước đây của Trung Quốc tại Biển Đông có ảnh hưởng tới việc lưu thông của các tàu hải quân và quân sự Mỹ qua các vùng biển và không phận quốc tế. Trong đó, có vụ tàu USNS Impeccable của Mỹ va chạm với tàu đánh cá của Trung Quốc tại Biển Đông tháng 3/2009, và vụ một tàu ngầm của Trung Quốc va chạm với tàu khu trục USS John McCain tháng 6/2009.

Nghị sĩ Webb cũng viện dẫn các tuyên bố được cam kết bởi các bên liên quan tới các tranh chấp tại Biển Đông, về việc tái xác nhận sự tôn trọng và cam kết đối với việc tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông theo các nguyên tắc luật pháp quốc tế được cả thế giới công nhận. Vì vậy, các bên cần phải giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán bằng các phương pháp hòa bình, mà không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.


 
Nghị sĩ Jim Webb. Ảnh: Readthehook

Webb, một người có bề dày kinh nghệm về châu Á, còn cho rằng Mỹ dù không phải là một bên trong các tranh chấp, nhưng lại có lợi ích an ninh và kinh tế quốc gia để đảm bảo rằng không bên nào đơn phương sử dụng vũ lực nhằm xác lập tuyên bố lãnh hải ở Đông Á. Ông Webb nhắc lại tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại diễn đàn an ninh khu vực ASEAN lần thứ 17 tại Hà Nội tháng 7/2010, cho rằng Mỹ, giống như mọi quốc gia khác, có lợi ích quốc gia trong việc đảm bảo quyền tự do hàng hải, quyền tiếp cận hàng hải ở châu Á, và sự tôn trọng luật pháp quốc tế tại Biển Đông.

Ông Webb cho rằng Mỹ chưa thể hiện quan điểm đủ mạnh mẽ trong tranh chấp này.

"Tôi cho rằng chính phủ của chúng ta chưa giữ một vị trí cần thiết trong tranh chấp tại Biển Đông", Webb nói.

Ông không kêu gọi Mỹ cần phải tham gia trong các tranh chấp lãnh thổ, nhưng nên tham gia vào một diễn đàn đa phương để giải quyết vấn đề.

"Chúng ta nên tham gia vào một cơ chế đa phương để giải quyết các vấn đề như thế này", ông nói.

Nghị sĩ đảng Dân chủ cũng không quên dẫn lại tuyên bố mới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Robert Gates tại Đối thoại Shangri-La 2011 ở Singapore, cho rằng an ninh hàng hải là một vấn đề đặc biệt quan trọng đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bởi các tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ và việc sử dụng các vùng nước sao cho thích hợp đang đặt ra những thách thức hàng ngày cho an ninh và thịnh vượng của khu vực.

Với những lập luận và viện dẫn như vậy, nghị sĩ Webb kêu gọi Thượng viện Mỹ tái xác nhận sự ủng hộ mạnh mẽ đối với giải pháp hòa bình cho các tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông, đồng thời cam kết duy trì các nỗ lực liên tục để tạo điều kiện thuận lợi cho một quá trình đa phương và hòa bình nhằm giải quyết các tranh chấp này, theo phương pháp phù hợp với thông lệ của luật pháp quốc tế.

Ông Webb yêu cầu Thượng viện Mỹ ủng hộ việc tiếp tục các chiến dịch của quân đội nước này, nhằm khẳng định và bảo vệ quyền tự do hàng hải và không phận quốc tế tại Biển Đông. Mỹ mới đây tuyên bố điều tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Chung-hoon tới Tây Thái bình dương tập trận chung với hải quân Philippines.

Căng thẳng tại Biển Đông gần đây đột ngột gia tăng sau khi các tàu của Trung Quốc liên tục có hành vi cắt cáp và cản trở hoạt động của các tàu khảo sát địa chấn thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, trước phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam sau các sự việc này, phía Trung Quốc lại khẳng định đó là việc làm bình thường trong hải phận của họ, một động thái được cho là nhằm biến khu vực không có tranh chấp thành có tranh chấp. Trung Quốc cũng bị Philippines nhiều lần tố cáo xâm phạm vùng nước mà Manila tuyên bố chủ quyền.

Một loạt tuyên bố về tập trận hoặc điều động quân binh được đưa ra tại khu vực này trong thời gian gần đây, khiến tình hình Biển Đông thêm nóng.

(Theo vnexpress.net)