Trong những năm qua, Chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo" nói riêng và công tác vận động chăm lo giúp đỡ người nghèo luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ của các cấp và các ngành. Năm nay Lễ phát động "Cả nước chung tay vì người nghèo" diễn ra vào 20 giờ ngày 17/10/2022 tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt-Xô (Hà Nội) với chủ đề “Hành trình của hy vọng”, hành trình của sự lắng nghe, giúp đỡ, chia sẻ yêu thương, tự lực vươn lên thoát nghèo và sự chung tay giúp sức của cả cộng đồng đối với người nghèo.
Công tác xóa đói, giảm nghèo luôn là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước
Ngay từ khi mới thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, một trong 6 nhiệm vụ đầu tiên của Chính phủ mới là “diệt giặc đói”. Từ đó đến nay, công tác xóa đói, giảm nghèo luôn là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước. Với sự quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, cùng với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của toàn dân, công tác giảm nghèo của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định: bảo đảm an sinh xã hội là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ mới; tiếp tục hoàn thiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế-xã hội; mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội tới mọi người dân, hướng tới mục tiêu thực hiện an sinh xã hội toàn dân; khuyến khích nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh xã hội của mỗi người dân... để nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.
Hệ thống chính sách, pháp luật về giảm nghèo được ban hành khá đồng bộ, toàn diện. Đặc biệt, ngày 2/2/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1722/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Sau đó, Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã được thành lập cả ở Trung ương và địa phương để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện.
Việt Nam đã 8 lần ban hành chuẩn nghèo quốc gia theo mô hình tháp giảm nghèo, đáp ứng nhu cầu người nghèo từ thấp lên cao, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước từng giai đoạn. Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều.
Ngân sách nhà nước và nguồn lực huy động từ xã hội đầu tư cho công tác giảm nghèo ngày càng tăng. Đặc biệt, nguồn lực đã được bố trí, huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là 93.000 tỷ đồng.
Chính phủ đã chỉ đạo ban hành các chính sách giảm nghèo chung hỗ trợ toàn diện cho người nghèo, như: hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; bảo đảm mọi người trong hộ nghèo đều có cơ hội tiếp cận với dịch vụ khám chữa bệnh thông qua bảo hiểm y tế; nâng cao tỷ lệ trẻ em nghèo được đến trường thông qua miễn giảm học phí… và các hỗ trợ về nhà ở, nước sạch và vệ sinh, dạy nghề, lao động và việc làm, trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội, vay vốn tín dụng ưu đãi; giải quyết đất ở, đất sản xuất, giao rừng...
Nhiều huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn đã được đầu tư cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Trong giai đoạn 2016-2020, tại địa bàn các huyện, xã nghèo, đặc biệt khó khăn đã có khoảng 18.000 công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư, đã đưa vào sử dụng trên 15.000 công trình; khoảng 7.000 công trình được duy tu bảo dưỡng. Cơ sở hạ tầng kết nối vùng được đầu tư, như: điện, đường, trường, trạm và các công trình thiết yếu khác phục vụ sản xuất, lưu thông hàng hóa, dân sinh.
Trong gần 2 thập kỷ qua, tỷ lệ hộ nghèo tại Việt Nam giảm nhanh. Nếu năm 1993 tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 58,1%, đến năm 2020 chỉ còn 2,75%. Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích trước mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo. Thu nhập bình quân của người nghèo tăng 1,6 lần giai đoạn 2016-2020. Đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện, nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, đã có sự chuyển biến về nhận thức và hành động của một bộ phận người nghèo, đã xuất hiện một số điển hình làm đơn tự nguyện xin thoát nghèo.
Đặc biệt, từ năm 2017, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo". Từ năm 2020 đến hết tháng 6/2022, mặc dù trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, bên cạnh việc tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp (Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) vẫn tích cực vận động cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ Quỹ Vì người nghèo và thực hiện an sinh xã hội được hơn 19.313 tỷ đồng. Từ nguồn vận động, cùng với sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước và trợ giúp của cộng đồng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã giúp đỡ xây mới và sửa chữa được 102.910 căn nhà Ðại đoàn kết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ hơn 2,4 triệu lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về khám, chữa bệnh; giúp đỡ 593.034 lượt học sinh, sinh viên; hỗ trợ 663.771 lượt người phát triển sản xuất; hỗ trợ xây dựng hàng nghìn công trình dân sinh.
Kết quả nêu trên cho thấy, càng trong hoàn cảnh khó khăn, càng nhiều thách thức thì tinh thần yêu nước và tấm lòng yêu thương, trách nhiệm, đùm bọc nhau của dân tộc Việt Nam càng nhân lên mạnh mẽ, lan tỏa sâu sắc trong đời sống xã hội.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Tuy nhiên, hậu đại dịch COVID-19 đang tiếp tục đặt ra đối với công tác bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo những thách thức và khó khăn không nhỏ. Do chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cho nên các doanh nghiệp, đơn vị gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai hỗ trợ người nghèo; chương trình an sinh xã hội chưa đồng đều trên phạm vi toàn quốc; công tác vận động khó khăn do toàn xã hội phải tập trung phòng, chống dịch. Các đơn vị đăng ký ủng hộ an sinh xã hội chậm triển khai thực hiện ở địa phương. Ðáng chú ý, theo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tỷ lệ hộ nghèo đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 của nước ta hiện còn rất cao: Hộ nghèo là 5,2% (1.330.148 hộ), hộ cận nghèo 4,15% (1.063.184 hộ).
Cùng với đó, số hộ gia đình cần được hỗ trợ về nhà ở còn cao, do đó cần phải huy động nguồn lực lớn, triển khai trong thời gian nhiều năm... đã và đặt ra nhiều yêu cầu và quyết tâm cao đối với công tác vận động hỗ trợ.
Thực trạng khó khăn sẽ đặt ra những nhiệm vụ nặng nề và đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị trong quá trình chia sẻ, đồng hành với người nghèo.
Những ngày này, khi Tháng cao điểm “Vì người nghèo” bắt đầu diễn ra, nhiều địa phương trên cả nước đang phải hứng chịu thiên tai, bão lũ. Mỗi cơn bão, lũ đi qua là nhiều nhà cửa, tài sản bị cuốn trôi, số hộ nghèo đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn, nhiều hộ thoát nghèo nay có thể tái nghèo… Vì thế, Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2022 là dịp để những tấm lòng hảo tâm không phân biệt lứa tuổi, tiềm lực tài chính trong toàn xã hội tích cực tham gia phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Theo TTXVN