Diễn đàn hợp tác Quản trị an ninh phi truyền thống khu vực ASEAN lần thứ nhất tổ chức tại Việt Nam

Ngày 17/10, Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức diễn đàn hợp tác Quản trị an ninh phi truyền thống khu vực ASEAN (Diễn đàn ACF-MNS).

Phát biểu tại diễn đàn, GS.TS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh: “Hiện nay, ở khu vực ASEAN, các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa liên quan đến an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống đang ngày càng hiện hữu và gia tăng, đòi hỏi cấp thiết đối với khu vực là phải chung tay, củng cố vững chắc lòng tin, kết hợp chặt chẽ giữa các quốc gia trong việc đảm bảo an ninh cho toàn khu vực”.

Diễn đàn hợp tác Quản trị an ninh phi truyền thống khu vực ASEAN lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Ảnh: Lê Vân.

Diễn đàn ACF-MNS là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, các học giả, nhà khoa học, nhà giáo dục và các nhà quản trị, công tư tại Việt Nam và các nước trong khu vực cùng chia sẻ ý tưởng, tri thức, kinh nghiệm và các kết quả nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao nhận thức và năng lực quản trị an ninh phi truyền thống từ chính sách, chiến lược đến hành động ở tất cả các cấp độ, từ quốc gia đến cộng đồng, tổ chức và doanh nghiệp”.

Thượng tướng PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương khẳng định diễn đàn có ý nghĩa quan trọng và khởi đầu cho việc hợp tác ASEAN trên nhiều khía cạnh. Bởi, an ninh nói chung, an ninh phi truyền thống nói riêng gắn liền với sự phát triển bền vững. Quản trị an ninh phi truyền thống tốt sẽ góp phần phát triển bền vững ở quy mô thế giới, khu vực và quốc gia, địa phương. Quản trị an ninh phi truyền thống không chỉ bó hẹp trong bảo vệ chủ quyền quốc gia mà còn bảo vệ con người, môi trường sống, kinh tế, văn hoá... với tính chất dặc trưng của an ninh phi truyền thống là tính toàn cầu.

Diễn đàn ACF-MNS lần thứ nhất tập với chủ đề “Đoàn kết, chủ động hợp tác quản trị, ứng phó các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh phi truyền thống ở khu vực ASEAN”.

Trung tướng GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Diễn đàn tiếp cận từ 3 góc độ: Cơ chế, chính sách, pháp luật về an ninh phi truyền thống; nghiên cứu khoa học và đào tạo về an ninh phi truyền thống; quản trị, thực thi an ninh phi truyền thống. Tập trung vào trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức giữa các cơ quan hành pháp, quản lý nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học và đào tạo về an ninh phi truyền thống, góp phần nâng cao hiệu quả việc xây dựng chính sách, pháp luật của Việt Nam và các nước ASEAN về các hoạt động phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh phi truyền thống”.

Được biết, trong 20 năm qua nhiều hoạt động hợp tác về An ninh phi truyền thống và Quản trị An ninh phi truyền thống đã được tiến hành ở các quốc gia thành viên ASEAN và trong khuôn khổ hợp tác ASEAN về xây dựng chính sách, pháp luật, hợp tác phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Nhiều sáng kiến ASEAN về hợp tác ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, trong đó có đại dịch COVID-19 và các nguy cơ dịch bệnh được công bố và thiết lập trong những năm qua; Nhiều mô hình đào tạo và hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học về Quản trị An ninh phi truyền thống đã được triển khai tại Việt Nam (trong đó Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Quản trị và Kinh doanh, Viện An ninh phi truyền thống, các Học viện, nhà trường thuộc Bộ Công an Việt Nam, Bộ Quốc phòng… ), Trường phái An ninh phi truyền thống thuộc Trường Nanyang Technological University, Singapore…

Diễn đàn phấn đấu trở thành một diễn đàn thường niên của các nước ASEAN, có sự tham gia của các các nhà quản lý, các học giả, nhà khoa học các nước ASEAN và các nước đối tác ASEAN.

Theo TTXVN/Báo Tin tức