Ý kiến đảng viên về Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII:

Đề nghị công khai tài sản của cán bộ có chức quyền tại nơi cư trú

Sau 7 ngày làm việc, Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.

Theo dõi sát sao chương trình, nội dung của Hội nghị, cán bộ, đảng viên, quân và dân tỉnh Quảng Bình tin tưởng, đánh giá cao chất lượng nội dung của hội nghị, nhất là việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thực hiện tinh thần trách nhiệm, phát huy tính dân chủ, trí tuệ, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến rất tâm huyết và quan trọng trong việc đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025, định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị và một số vấn đề quan trọng khác, chủ yếu là về công tác cán bộ, công tác nhân sự…

Các đại biểu dự bế mạc Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Ông Đoàn Thị (75 tuổi, là đảng viên, cán bộ hưu trí, cựu chiến binh, hiện sống ở xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới) nhận xét: Hội nghị Trung ương 6 đã thẳng thắn nhìn vào sự thật, xem xét đánh giá toàn diện các nội dung, chương trình đề ra, từ đó đưa ra phương hướng, kế hoạch trong phát triển kinh tế-văn hóa xã hội, xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian tới.

Theo ông Đoàn Thị, Hội nghị đã đánh giá đúng thực trạng tình hình vừa qua, có nhiều nội dung rất cơ bản, quan trọng, phù hợp và mang tính kịp thời trong giai đoạn phát triển của đất nước tại thời điểm này. Đó là những vấn đề về phát triển kinh tế, định hướng quy hoạch tổng thể đất nước, nâng cao và hoàn thiện chất lượng nhà nước pháp quyền…Đây là những nội dung mang tính chiến lược mà theo ông hiểu là “phải ưu tiên” thực hiện kịp thời.

Riêng về công tác xây dựng Đảng, Trung ương đã đánh giá và Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) một cách nghiêm túc trong những việc làm được và tồn tại với tư cách của Đảng lãnh đạo. Ông rất tâm đắc với nội dung phát biểu tại buổi bế mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Việc Trung ương xử lý kỷ luật cán bộ vi phạm ngay ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị là minh chứng thuyết phục và kịp thời về việc "không có vùng cấm" trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Việc làm này đã tạo thêm lòng tin của quân, dân, cán bộ đối với sự lãnh đạo của Đảng. Thực tế, hiện nay đang còn hiện tượng cán bộ, đảng viên ở các cấp chưa thật sự gương mẫu, còn “nín thở qua sông”… Để tạo sự thống nhất, sự tin tưởng của nhân dân đối với Đảng, ông Đoàn Thị đề nghị, Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngoài việc tiếp tục tập trung phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cụ thể nhất là công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Theo ông, cùng một sai sót như nhau cán bộ có chức quyền phải kỷ luật nặng gấp nhiều lần người dân, không lấy thành tích, huân huy chương để giảm nhẹ tội. Việc kê khai tài sản của cán bộ có chức quyền không nên chỉ diễn ra trong nội bộ mà phải công khai ngay tại nơi khu dân cư cán bộ đó cư trú…

Tiến sỹ kinh tế Phạm Xuân Hùng (quê tỉnh Quảng Bình, giảng viên Trường Đại học Kinh tế Huế) cho biết, ông đặc biệt quan tâm tới nội dung đánh giá, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội diễn ra tại Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII.

Theo ông Phạm Xuân Hùng, mặc dù triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2022 được dự báo khá ảm đạm do bối cảnh thế giới đang cùng lúc đối mặt với nhiều thách thức và chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng vượt qua khó khăn chung, Việt Nam nằm trong số ít nền kinh tế duy trì mức tăng trưởng cao so với các nước trong khu vực.

Báo cáo của Hội nghị Trung ương 6 rất ấn tượng khi trong 9 tháng năm 2022, tăng trưởng GDP nước ta đạt hơn 8,83%; thu ngân sách nhà nước đạt 94% dự toán, nền kinh tế tiếp tục duy trì xuất siêu gần 7 tỉ USD. Khu vực du lịch, dịch vụ phát triển sôi động trở lại với mức tăng khoảng 10,57%. Phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc; từ đầu năm đến nay có hơn 163 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới và hoạt động trở lại, tăng 38,6%, cao nhất từ trước đến nay.

Mặc dù vậy, nền kinh tế Việt Nam gặp phải thách thức và trở ngại như: Tăng trưởng toàn cầu giảm tốc, đồng nghĩa là nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm; tình trạng thiếu hụt lao động chất lượng cao sẽ tác động đến sự phục hồi nhanh chóng của các ngành dịch vụ; rủi ro lạm phát gia tăng và các vấn đề tồn đọng của hệ thống ngân hàng, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; tác động của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mức độ phát triển ở những khu vực dễ bị tổn thương như Đồng bằng sông Cửu Long.

Để duy trì sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế thời gian tới, Tiến sỹ Phạm Xuân Hùng cho rằng, Chính phủ cần quan tâm đẩy mạnh hơn nữa việc tái cấu trúc nền kinh tế nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; tập trung hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Cùng với đó là cải cách toàn diện hệ thống tài chính ngân hàng; tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giáo dục, đào tạo và nghiên cứu để nâng cao khả năng chống chịu của quốc gia và năng lực điều chỉnh nhanh chóng, linh hoạt trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi như hiện nay.

Theo TTXVN/Báo Tin tức