Dự họp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có các thành viên Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 4; thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai; lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Trưởng Ban Chỉ đạo tiền phương dự họp tại đầu cầu UBND thành phố Đà Nẵng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Dự họp tại các điểm cầu có các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum.
Giảm thiểu thiệt hại
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo tiền phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo chung về tình hình, diễn biến của bão số 4; công tác phòng, chống bão; tổng hợp thiệt hại ban đầu; dự báo diễn biến tiếp theo của bão lũ và các biện pháp phòng, chống, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước, người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, đêm 27 và sáng 28/9, bão số 4 đã ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương khu vực Trung Bộ, gây gió cấp 10, giật cấp 14 tại đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm; đất liền có gió cấp 6-8, giật cấp 10, lớn nhất tại Tam Kỳ (Quảng Nam) có mạnh gió cấp 9, giật cấp 13.
Bão số 4 là cơn bão mạnh, đi nhanh, thời gian đổ bổ vào đất liền vào ban đêm. Nhờ có sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai các cấp; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các lực lượng và người dân nên giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
Bước đầu ghi nhận chưa có thiệt hại về người, có 4 người bị thương; sập 3 nhà; hư hỏng, tốc mái 157 nhà; chìm 3 ghe nhỏ; 9.427 trạm biến áp bị sự cố mất điện và 15 xã bị mất điện, hiện đã khắc phục 535 trạm biến áp; gãy đổ khoảng trên 500 cây xanh tại địa bàn các tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai...
Lãnh đạo các địa phương báo cáo về tình hình thiệt hại do bão số 4 gây ra, công tác khắc phục thiệt hại và bài học kinh nghiệm trong ứng phó với bão.
Theo đó, để phòng, chống bão hiệu quả, các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của cấp trên và phù hợp với tình hình diễn biến ở địa phương. Cán bộ, nhất là người đứng đầu quan tâm, bám sát cơ sở. Các địa phương xây dựng các phương án, kịch bản phòng, chống bão; chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực sẵn sàng ứng phó; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men phục vụ nhân dân.
Cảnh báo đợt mưa lũ lớn
Theo Tổng cục Khí tượng Thủy văn, sáng 28/9, bão số 4 di chuyển theo hướng Tây, đi sang khu vực Nam Lào, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp và tan dần; từ trưa và chiều 28/9 không còn ảnh hưởng đến Việt Nam.
Tuy nhiên, do hoàn lưu của bão, dự báo từ ngày 28 đến 30/9, các tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên từ Thanh Hóa trở vào có mưa to. Cùng với đó, các sông trong khu vực dự báo sẽ có lũ, trong đó, các sông ở Quảng Trị, sông Thu Bồn (Quảng Nam) lên mức báo độ 1, báo động 2, sông Vu Gia (Quảng Nam) lên trên báo động 2; các sông ở Kon Tum lên mức báo động 2, báo động 3, trên mức báo động 3.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Kon Tum, đặc biệt lưu ý các huyện Hướng Hóa, Đắk Rông (Quảng Trị), Phong Điền, A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế), Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước (Quảng Nam), Tu Mơ Rông, Konplong, Đắk Glei, Đắk Tô (Kon Tum).
Từ ngày 28-30/9, các sông ở Bắc Trung Bộ xuất hiện 1 đợt lũ, đỉnh lũ trên các sông nhỏ thượng nguồn sông Mã, cả lên mức báo động 1 và trên báo động 1. Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu (Nghệ An), Hương Khê, Hương Sơn (Hà Tĩnh).
Không để người dân đói, rét, không có chỗ ở
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp đánh giá công tác ứng phó cơn bão số 4. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Kết thúc cuộc họp, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương, khen ngợi, các tỉnh, thành phố; các cơ quan khí tượng thủy văn, công an, quân đội, báo chí chủ động vào cuộc tích cực, quyết liệt phòng, chống bão số 4, nhờ đó giảm thiểu mức thấp nhất về người, tài sản của nhân dân. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ chia sẻ mất mát, khó khăn đối với những người, gia đình có người bị thương, bị thiệt hại về tài sản do bão.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, các cấp, ngành, đặc biệt là các địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá lại công tác phòng, chống bão; đánh giá kịp thời, khách quan các thiệt hại do mưa bão; triển khai ngay các biện pháp khắc phục, hỗ trợ kịp thời đối với các thiệt hại; nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất; kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người bị thương, thiệt hại về vật chất do bão.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, tạo điều kiện tốt nhất để các cháu học sinh sớm trở lại trường học; tuyệt đối không để bất cứ người dân nào phải chịu đói, rét, không có chỗ ở; không để bùng phát dịch bệnh sau bão, lũ.
“Trước mắt, các địa phương sử dụng Quỹ phòng, chống lụt bão và các nguồn vốn hợp pháp khác để xử lý ngay các thiệt hại của nhà nước, nhân dân do bão”, Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính xem xét, trên cơ sở báo cáo tổng hợp của các địa phương, cần gạo thì cấp gạo, cần tiền thì cấp tiền để ổn định đời sống, sản xuất cho người dân. Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan kiểm tra, tổ chức khắc phục các điểm sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.
Bộ Công Thương, ngành Điện lực tổ chức khắc phục ngay các sự cố về điện, đảm bảo đủ điện cho tiêu dùng và sản xuất. Các địa phương tổ chức khắc phục các sự cố về cấp thoát nước, môi trường, cây xanh. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi sát tình hình thời tiết, cảnh báo sớm tình hình mưa lũ, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai các cấp; trong đó thực hiện nghiêm phòng, chống lụt bão theo phương châm “4 tại chỗ”.
Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ một số bài học kinh nghiệm trong phòng, chống bão. Theo đó, phải bám sát tình hình, nắm chắc tình hình, có tâm huyết, trách nhiệm trong bảo vệ tài sản, tính mạng của nhà nước, nhân dân; cương quyết, quyết liệt, nhất quán, vận động, di dời nhân dân khỏi vùng nguy hiểm, “đây là yếu tố quyết định để không bị thiệt hại về người”; nắm chắc tình hình, bám sát tình hình, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia phòng, chống bão.
Cũng theo Thủ tướng, phải xây dựng các kịch bản, phương án để khi xảy ra, chủ động ứng phó. Lãnh đạo, chỉ đạo phải quyết liệt, tích cực, hiệu quả, bám sát tình hình ngay từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở. Thông tin hướng dẫn phải kịp thời, thông suốt, toàn diện, đầy đủ đến các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh, người dân phải luôn luôn đề cao tinh thần cảnh giác, không hoang mang, lo sợ mà phải bình tĩnh, tự tin, tự lực, tự cường, đoàn kết để chủ động phòng, chống bão, dưới sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền các cấp.
Theo TTXVN/Báo Tin tức