Theo tác giả bài viết, Việt Nam là một trong số 117 quốc gia đầu tiên ký kết công ước kể từ khi văn kiện này được mở ký vào ngày 10/12/1982. Sau khi trở thành một bên ký kết UNCLOS 1982, Việt Nam luôn là thành viên có trách nhiệm và đã có nhiều nỗ lực đáng kể để thông qua và thực thi các điều khoản của UNCLOS 1982. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã kêu gọi các nước khác trong khu vực Đông Nam Á tôn trọng và tuân thủ UNCLOS 1982. Đặc biệt, trong năm giữ vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ( ASEAN) 2020, Việt Nam đã liên tục nhấn mạnh sự cần thiết của UNCLOS 1982 trong việc duy trì hòa bình khu vực và giải quyết các tranh chấp biển. Gần đây nhất, cùng với Đức, Việt Nam đã khởi động việc thành lập “Nhóm bạn bè UNCLOS” để thúc đẩy, tăng cường hợp tác giữa các quốc gia cùng chí hướng đối với những mục tiêu chung trên đại dương.
Đề cập vai trò của UNCLOS 1982, tác giả bài viết nhấn mạnh UNCLOS được biết đến như là “Hiến chương của/cho các đại dương”. Công ước này đặt ra một bộ khung pháp lý cho việc quy định hầu hết các hoạt động liên quan đến biển, đồng thời cung cấp một nền tảng cho sự hợp tác quốc tế về các vấn đề liên quan đến đại dương. Hơn nữa, UNCLOS cũng thúc đẩy các cơ chế ràng buộc đối với việc giải quyết các tranh chấp, xung đột trên biển.
Theo bài viết, UNCLOS 1982 tiêu chuẩn hóa các tuyên bố về các quyền trên biển và quyền chủ quyền của các bên ký kết. Trước UNCLOS, đặc biệt là trong nửa đầu thế kỷ XX, đã có những tình huống hỗn loạn khi các quốc gia tranh cãi về ranh giới biển, dẫn đến các tranh chấp. Việc thông qua UNCLOS 1982 đã giúp giảm thiểu các loại tranh chấp này, vì công ước đã trở thành cơ sở pháp lý để phân định các vùng lãnh thổ có sự chồng lấn.
Ngoài ra, UNCLOS đã cung cấp khuôn khổ để các nước thành viên, trong đó có Việt Nam, hợp tác với các quốc gia khác về các vấn đề khác nhau như tội phạm trên biển, bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học và quản lý tài nguyên.
Tầm quan trọng của UNCLOS 1982 đối với Việt Nam đã được minh chứng trong 40 năm qua, đặc biệt là trong việc pháp lý hóa các tuyên bố chủ quyền biển của Việt Nam, tăng cường hệ thống quản lý và luật trong nước, thúc đẩy hợp tác với các nước khác và giải quyết, xử lý các tranh cãi trên biển.
Theo TTXVN/Báo Tin tức