Chiều tối 19/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh và Lê Văn Thành; lãnh đạo các bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp (DN) lớn... cùng với sự tham dự trực tuyến của 94 Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Đây là Hội nghị đầu tiên Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo về công tác ngoại giao kinh tế, được triển khai ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đến năm 2030.
Tại hội nghị, các Đại sứ, Trưởng Cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, thiết thực nhằm kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Chính phủ nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế, đóng góp tích cực vào việc phát triển đất nước. Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đóng góp ý kiến, kiến nghị các Đại sứ, Trưởng Cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần làm tốt hơn nữa vai trò cầu nối giữa thị trường địa bàn sở tại với cộng đồng DN trong nước; tìm kiếm, mở rộng thị trường, cung cấp thông tin, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, cộng đồng DN thiết thực, kịp thời về tình hình địa bàn; góp phần giới thiệu các DN lớn của các nước đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, có sức lan tỏa lớn; tranh thủ các nguồn vốn tài trợ xanh, chuyển đổi năng lượng, kinh tế số...; tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu cho các ngành sản xuất trong nước để đa dạng hóa nguồn cung; hỗ trợ DN Việt Nam tiếp cận nguồn vốn, công nghệ mới; hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi của DN Việt Nam ở nước ngoài; có tiếng nói tích cực tác động chính quyền sở tại tháo gỡ khó khăn trong quá trình hợp tác.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, trong thành tích chung của đất nước có sự đóng góp của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; nêu rõ, tình hình sắp tới khó dự báo, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, từ đó chúng ta phải chuẩn bị đối phó tình hình với tinh thần càng khó khăn, thách thức, càng phải tìm giải pháp khắc phục, tìm lối ra với tư duy tìm kiếm ổn định trong sự bất định; giữ chủ động trong thế bị động; kiên định, nhất quán trong sự xáo động; kiểm soát rủi ro trong nền kinh tế thị trường với đặc tính là có khủng hoảng, suy thoái; xây dựng phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, phát triển kinh tế quốc tế.
Thủ tướng yêu cầu ngành ngoại giao cần hết sức tranh thủ, phát huy cao nhất thế và lực mới của đất nước; chủ động, tích cực trong việc kiến tạo cục diện có lợi cho môi trường hòa bình, an ninh, phát triển của đất nước. Các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục triển khai hiệu quả công tác thiết lập quan hệ với các nước sở tại, truyền tải thông điệp, hình ảnh Việt Nam với những nền tảng quan trọng: Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, có lịch sử hào hùng đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước; có nền văn hóa lâu đời, phong phú, đa dạng; con người Việt Nam cần cù, bản lĩnh, sáng tạo, thân thiện và mến khách.
Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, thu hút du lịch, trong đó chú trọng việc tạo điều kiện về thị thực cho khách quốc tế; chú trọng và triển khai tốt công tác bảo hộ công dân; quyết liệt xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển; lấy người dân, địa phương và DN làm trung tâm phục vụ, đưa đối ngoại và ngoại giao thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững đất nước trong thời gian tới. Đẩy mạnh đổi mới tư duy, mạnh dạn, đột phá, sáng tạo trong công tác ngoại giao kinh tế, trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, chắc chắn, thận trọng, kiên định mục tiêu và chân thành, khiêm tốn; trong đó tập trung:
Thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN; phát huy tiềm năng các thị trường đối tác FTA; mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi; tăng cường đa dạng hóa các chuỗi cung ứng. Xây dựng chính sách phù hợp đón nhận các dịch chuyển và tham gia các chuỗi sản xuất, cung ứng chất lượng cao, tiến tới xác lập vị trí cao hơn của Việt Nam trong chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối các DN trong và ngoài nước; thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp có tính chất nền tảng, công nghiệp công nghệ cao, kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, chuyển đổi số, đô thị, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu; phát triển công nghiệp dược, công nghiệp văn hóa, giải trí... Tranh thủ mọi cơ hội để thu hút nguồn lực bên ngoài cho chuyển đổi xanh, phát triển bền vững; tiếp tục vận động một cách sáng tạo các nước đối tác ủng hộ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng, bảo đảm công bằng, công lý; hỗ trợ Việt Nam về công nghệ và tài chính, phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện thể chế.
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng, với sự chung sức, đồng lòng của ngành ngoại giao, các Cơ quan đại diện ở nước ngoài, các ban, bộ, ngành, địa phương và DN; thực hiện hiệu quả phương châm ngoại giao “tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả, cùng phát triển”, tiếp tục đạt được những thành tựu mới, quan trọng hơn, tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
HL