Trình bày Tờ trình của Chính phủ trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư cho biết: Việc sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Hợp tác xã (HTX) hiện hành, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hội nhập quốc tế, sự phát triển của cuộc cách mạng lần thứ tư. Hoàn thiện quy định về huy động, phát triển thành viên. Loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường. Bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của mô hình kinh tế hợp tác. Tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác, thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia vào các tổ chức kinh tế hợp tác, xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác mạnh, giúp nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của các thành viên và góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.
Về quan điểm xây dựng dự án luật, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đã bám sát, thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế tập thể ở nước ta trong thời gian tới; đặc biệt là thể chế hóa Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng; bám sát chủ trương chỉ đạo tại Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị, Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, triển khai hiệu quả Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.
Kế thừa tối đa quy định của Luật HTX năm 2012 còn phù hợp, đang có hiệu lực, hiệu quả; giữ vững các nguyên tắc cơ bản của mô hình kinh tế hợp tác do Liên minh HTX quốc tế đưa ra trong thế kỷ 21.
Các quy định của Luật được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn phát triển HTX ở nước ta từ khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực thi hành (năm 2013); tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế; phù hợp với xu thế vận động và phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác trong bối cảnh mới.
Xây dựng Luật chung thống nhất cho các tổ chức kinh tế hợp tác.
Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Thẩm tra sơ bộ về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ, góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, theo đúng tinh thần của Nghị quyết 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Về hồ sơ, bố cục và kết cấu của dự án Luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy hồ sơ của dự án Luật đáp ứng điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4; bố cục và kết cấu của dự án Luật tương đối chi tiết, bao quát nhiều nội dung.
Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, kết cấu lại các nội dung của dự án Luật bảo đảm tính logic, hợp lý hơn; bổ sung tại Điều 4 một số thuật ngữ được sử dụng nhiều lần tại dự thảo Luật; đề nghị sửa đổi một số thuật ngữ tránh hiểu sai, gây nhầm lẫn...; nghiên cứu bổ sung, luật hóa tối đa các quy định tại các văn bản dưới luật đã được áp dụng ổn định, giảm thiểu các quy định chờ hướng dẫn nhằm bảo đảm tính đồng bộ, công khai, minh bạch của Luật được ban hành. Đối với các nội dung không thể quy định chi tiết tại dự án Luật, cần nghiên cứu, chuẩn bị đầy đủ các văn bản hướng dẫn kèm theo, bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật theo quy định.
Về việc thể chế hóa nội dung 8 chính sách tại Nghị quyết 20-NQ/TW, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy về cơ bản các nội dung của 08 chính sách tại Nghị quyết 20-NQ/TW đã được thể chế hóa tại dự thảo Luật.
Tuy nhiên, các chính sách này còn chung chung, chưa được cụ thể. Đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bảo đảm quy định thống nhất với các luật có liên quan, nhất là phải bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với quy định tại dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đang được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4; đề nghị bổ sung nguyên tắc, tiêu chí hỗ trợ cụ thể, xác định rõ nguồn lực để thực hiện các chính sách, bảo đảm chính sách đi vào cuộc sống.
Đóng góp ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng: Cần làm rõ tính pháp lý của luật này liên quan đến bao nhiêu luật để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống luật. Cần làm rõ hơn việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX; làm rõ nội hàm vấn đề tín dụng nội bộ trong dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, việc sửa đổi Luật HTX là cần thiết, đây là kỳ vọng lớn nhất của cả xã hội khi sửa đổi luật này.
“Yêu cầu làm sao sửa đổi luật này phải dễ hiểu, dễ tra cứu để người dân dễ tiếp cận để thực hiện. Việc quy định những điều khoản trong Luật làm sao để tạo điều kiện cho các thành viên HTX thuận tiện trong việc ra nhập và rời HTX…”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu.
Phát biểu góp ý về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: Nên giữ quy mô thành viên HTX như hiện nay, nên chăng có các quy định phát triển thành viên mới, chú trọng phát triển số lượng và tổ thành viên HTX. Về mô hình tự chọn, đây là tổ chức tự nguyện nên giữ mô hình kiểm soát viên trong các mô hình tổ HTX. Cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm hướng dẫn, quản lý kiểm soát, tiêu chuẩn, tiêu chí của người đứng đầu HTX. Về chính sách đất đai, cần cụ thể hóa Nghị quyết 20 của Trung ương để tạo điều kiện cho HTX có trụ sở hoạt động, để HTX tiếp cận được đất đai, huy động được nguồn lực đất đai để phát triển HTX.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Cơ quan soạn thảo dự án luật và cơ quan thẩm tra cần tiếp tục rà soát, thể chế hóa chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết 20 của Trung ương về kinh tế tập thể. Rà soát, phân tích kỹ ưu, nhược điểm, tên gọi của luật, tiếp thu tối đa ý kiến phát biểu của các đồng chí trong Thường vụ Quốc hội. Tiếp tục rà soát phạm vi điều chỉnh trong dự án luật. Nghiên cứu đánh giá kỹ ý kiến về thành lập Liên đoàn HTX cho thấu đáo. Cụ thể hóa vai trò chức năng của Quỹ HTX, người quản lý, đại diện của HTX theo đúng pháp luật; cơ chế đại diện, pháp nhân HTX… Có cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia HTX. Rà soát lại các quy định tài chính, tài sản, chế độ kế toán, kiểm toán, chế độ thông tin của HTX minh bạch, kịp thời…
“Đề nghị Chính phủ, cơ quan soạn thảo dự án Luật HTX (sửa đổi), cơ quan thẩm tra dự án luật tiếp thu đầy đủ để chỉnh sửa dự án luật trước khi trình ra Quốc hội cho ý kiến kiến thảo luận tại Kỳ họp Quốc hội sắp tới.
Theo TTXVN/Báo Tin tức