Năm học 2022-2023, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lê Lợi ở địa bàn xã Phước Thắng có 210 HS biên chế ở 8 lớp, đa số HS đều học 2 buổi/ngày. Do đặc thù của địa phương nhiều hộ dân có đất rẫy ở xa nên hiện vẫn còn nhiều em theo gia đình lên rẫy chưa tới trường học. Công tác vận động HS đến lớp đang được nhà trường tiếp tục tăng cường sau lễ khai giảng để HS quen với trường lớp, nắm bắt kiến thức từ đầu năm học mới. Em Chamaléa Hiểu, HS lớp 9A, chia sẻ: Từ hè đến nay em lên rẫy phụ cha mẹ chăn bò ở gần hồ Sông Sắt. Hôm nay có thầy giáo đến nhà em vận động đi học lại, em hứa tuần tới sẽ đến lớp. Thầy giáo Lê Trung Đoàn, Chủ tịch Công đoàn Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lê Lợi cho biết: Sau khi nắm danh sách HS chưa đến lớp, bản thân tôi cùng với giáo viên trong trường cùng các trưởng thôn đã đi vận động từng phụ huynh cho con em mình đi học. Qua vận động, đã có một số em đến lớp, nhà trường sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động phụ huynh đưa con em đi học đầy đủ.
Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lê Lợi đến các gia đình vận động học sinh đến
lớp sau ngày khai giảng năm học mới.
Tại Trường TH-THCS Võ Văn Kiệt ở địa bàn xã Phước Chính, trong ngày khai giảng chỉ có 94% HS đến lớp. Để thu hút HS đi học, ngoài việc trang trí trường lớp, tạo cảnh quan thân thiện, nhà trường còn phối hợp với chính quyền địa phương trong việc theo dõi, vận động HS đi học; kêu gọi các mạnh thường quân chung tay hỗ trợ cặp sách, quần áo mới cho các em. Nhờ vậy, trong năm học mới các em HS đều có cặp sách, dụng cụ học tập đầy đủ. Cô giáo Nguyễn Thị Phước Hồng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để vận động các em ra lớp, nhà trường phân công giáo viên phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể địa phương thành lập các tổ đến tận nhà, lên rẫy để thuyết phục gia đình đưa các em đến trường học đầy đủ. Nhờ đó, hiện nay tỷ lệ HS ra lớp của nhà trường đảm bảo, hiện chỉ còn 5 em chưa tới lớp, nhà trường tiếp tục vận động để các em đi học đầy dủ, kịp với chương trình trong năm học mới này.
Bác Ái là huyện miền núi, điều kiện dạy và học còn nhiều khó khăn, nhận thức của một số người dân về việc học còn rất hạn chế. Qua hơn 1 tuần vào năm học mới, đến nay tỷ lệ HS ra lớp trên toàn huyện chỉ đạt trên 94% kế hoạch. Thầy giáo Đặng Ngọc Hải, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bác Ái cho biết: Đặc điểm HS ở Bác Ái thường nghỉ học cách nhật, theo cha mẹ lên rẫy. Trong khi đó phụ huynh HS chưa quan tâm khuyên bảo con em mình trong việc học tập. Mặt khác, có một số người đi làm ăn xa về rủ rê các em đi làm kiếm tiền, nên phải mất nhiều thời gian vận động số HS này mới trở lại trường học. Nhằm hạn chế tình trạng HS bỏ học và nghỉ học cách nhật, các trường học cũng như ngành Giáo dục đã thực hiện nhiều biện pháp như: Lập danh sách HS nghỉ học gửi về các thôn, thông báo cho gia đình. Giáo viên ngoài việc dạy học ở trường còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đến từng hộ gia đình vận động HS đến lớp. Nhiều trường học còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các hoạt động văn hóa, văn nghệ để tạo sân chơi bổ ích, hấp dẫn cho các em.
Phan Thanh