Làng VH-DL các dân tộc Việt Nam được xây dựng tại Đồng Mô, Sơn Tây (Hà Nội) với tổng diện tích 1.544 ha và được khai trương năm 2010. Làng được chia thành 7 phân khu chức năng gồm:
Khu các làng dân tộc; khu di sản văn hóa thế giới; khu công viên bến thuyền; khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô; khu dịch vụ du lịch tổng hợp; khu trung tâm văn hóa và vui chơi giải trí; khu điều hành công vụ. Từ năm 2015 đến nay, Ban Quản lý Làng VH-DL các dân tộc Việt Nam đã tăng cường công tác phối hợp với các địa phương trong cả nước để huy động đồng bào các dân tộc về tham gia hoạt động theo hình thức luân phiên và hằng ngày tại làng để tái hiện đời sống, văn hóa, ăn ở, sinh hoạt, lễ hội, trò chơi dân gian, phong tục truyền thống tại không gian các làng dân tộc. Cùng với các hoạt động sinh hoạt hằng ngày, Làng VH-DL cũng tổ chức 3 sự kiện văn hóa thường niên gồm: Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”; các hoạt động chào mừng “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4”; các hoạt động chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam - Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam”. Sau hơn 10 năm hoạt động, Làng VH-DL đã huy động khoảng hơn 11.000 lượt nghệ nhân, già làng, trưởng bản, đồng bào các dân tộc của trên 450 lượt cộng đồng dân tộc và gần 300 địa phương, đơn vị tham gia; phối hợp tổ chức tái hiện trên 190 nghi lễ, lễ hội truyền thống đặc sắc của các dân tộc, góp phần thu hút khách du lịch đến tham quan.
Đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Nhằm góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa, quê hương đất nước con người Ninh Thuận tại Làng VH-DL các dân tộc Việt Nam, từ năm 2011 đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành cùng địa phương tham gia nhiều hoạt động. Cụ thể như: Tham gia Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” với các nội dung như tái hiện Lễ mở cửa tháp, Lễ hội Katê, trưng bày các hiện vật văn hóa Chăm; tái hiện Lễ cúng thần Sóng biển tại hoạt động “Đại gia đình các dân tộc Việt Nam với chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”; tái hiện Lễ hội Katê trên quần thể Tháp Chăm nhân sự kiện ngày ASEAN... Đồng thời, thực hiện Quy chế phối hợp, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 5648/UBND-VXNV ngày 16/10/2021 chỉ đạo Sở VH,TT&DL và UBND các huyện, thành phố phối hợp cùng địa phương vận động nghệ nhân tham gia các hoạt động hằng ngày tại Làng VH-DL các dân tộc Việt nam tại Hà Nội. Đến tháng 8/2022, UBND xã Phước Chiến (Thuận Bắc) đã thành lập nhóm nghệ nhân (gồm 7 người) đồng bào Raglai tham gia các hoạt động thường xuyên hằng ngày tại Làng VH-DL các dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, công tác vận động nghệ nhân đến tham gia hoạt động hằng ngày, thường xuyên trong thời gian dài gặp nhiều khó khăn, hạn chế do tuổi tác, kinh phí hỗ trợ cũng như tính thích ứng của các nghệ nhân với môi trường sống mới còn chậm, chưa linh hoạt để tạo thêm thu nhập và ổn định đời sống.
Qua nghe các ý kiến góp ý của Đoàn công tác, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu và cho biết thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo Sở VH,TT&DL và các địa phương vận động, tuyển chọn nghệ nhân các dân tộc trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia các sự kiện văn hóa tại Làng. Đồng chí đề nghị trên cơ sở Quy chế phối hợp hoạt động giữa Làng VH-DL các dân tộc Việt Nam và tỉnh, cần xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện tốt hơn. Bên cạnh đó, đồng chí cũng đề nghị quan tâm hơn nữa đến chế độ, chính sách cho các nghệ nhân tham gia hoạt động tại Làng.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, cho biết Làng VH-DL các dân tộc Việt Nam được xây dựng với mục đích trở thành một trung tâm hoạt động văn hóa mang tính quốc gia với vai trò là nơi tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam. Thứ trưởng đánh giá Ninh Thuận là một trong những tỉnh có đóng góp rất tích cực trong các hoạt động của Làng thời gian vừa qua. Đồng chí đề nghị thời gian tới, tỉnh cần tăng cường vận động, bổ sung thêm các nghệ nhân tham gia hoạt động thường xuyên tại Làng, nhất là các nhân tố trẻ có năng khiếu hoạt động dân ca, dân vũ, để giới thiệu rõ hơn về vùng giao thoa giữa các nền văn hóa, đặc biệt là nền văn hoá Chămpa; mong muốn tỉnh tiếp tục phối hợp, trao đổi với Ban Quản lý Làng VH-DL các dân tộc Việt Nam để tổ chức các hội nghị quảng bá văn hóa dân tộc, thu hút đầu tư cho tỉnh tại Làng, nhân các sự kiện lớn. Đối với các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Đoàn công tác sẽ ghi nhận và có báo cáo với cơ quan thẩm quyền xem xét, giải quyết.
* Cùng ngày, Đoàn công tác của Bộ VH,TT&DL đã có buổi làm việc với các nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc và Ban Quản lý khu phố Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) về các hoạt động hằng ngày tại Làng VH-DL các dân tộc Việt Nam trong thời gian đến.
Xuân Nguyên