Sau 4 năm triển khai, chương trình OCOP đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành lĩnh vực ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng NTM. Đến nay, cả nước có 4.351 chủ thể OCOP với 8.478 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao trở lên và 65 sản phẩm OCOP thuộc nhóm dịch vụ, DL cộng đồng và điểm DL. Riêng Ninh Thuận đã có 69 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó, có 8 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao. Chương trình OCOP đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn. Đây là cơ sở để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình OCOP và Chương trình phát triển DL nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.
Đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT gợi mở cho các địa phương ý tưởng xây dựng và phát triển chương trình OCOP và phát triển DL nông thôn. Theo đó, các địa phương cần tư duy tích hợp đa giá trị, đa dạng hóa sản phẩm OCOP, các sản phẩm phải có tính bao quát, gắn kết cộng đồng khu vực nông thôn để tạo sinh kế, việc làm cho người dân. Phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Phát triển các sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị để khách hàng trải nghiệm từ nguyên liệu thô đến chế biến, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Phát triển sản phẩm OCOP phải gắn với dịch vụ DL nông nghiệp, nông thôn dựa trên 3 trụ cột: Cảnh quan - văn hóa bản địa - du khách. Phát triển DL không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là trách nhiệm, niềm tự hào của quê hương. Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng, xây dựng thiết chế xã hội để tạo không gian phát triển kinh tế nông thôn làm cơ sở phát triển các sản phẩm OCOP gắn với phát triển DL.
Hồng Nguyệt