Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết

Diễn ra trong 2 ngày, hội nghị tập trung cho ý kiến đối với dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Đây là những nội dung sẽ được trình để Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2022).

Sáng ngày 7-9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách để thảo luận, góp ý kiến về 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Đây là Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 2 của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Diễn ra trong 2 ngày, hội nghị tập trung cho ý kiến đối với dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Đây là những nội dung sẽ được trình để Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2022).

Trong đó, các dự án: Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8-2022.

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: DUY LINH)

Liên quan đến các dự án luật trên, Chủ tịch Quốc hội cho biết đa số ý kiến ĐBQH tán thành cao về sự cần thiết ban hành và nhất trí với nhiều nội dung chính của các dự thảo luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các ĐBQH chuyên trách tập trung cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau.

Đối với dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) sẽ được trình để Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4 theo quy trình tại 1 kỳ họp.

Về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là dự án khó, phức tạp, nội dung sửa đổi nhiều, nhưng dự kiến được xem xét, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng; nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và phòng, chống tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trên cơ sở bảo đảm phù hợp với bối cảnh, điều kiện của Việt Nam, bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn tài chính quốc gia và phù hợp với các hiệp định đã ký kết, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF).

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH chuyên trách tập trung thảo luận về: Các điều kiện cần và đủ để trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật theo quy trình 1 kỳ họp; tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật và tương thích với các cam kết, điều ước quốc tế; tính khả thi khi triển khai thực hiện; quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền; báo cáo giao dịch đáng ngờ, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống rửa tiền...

Về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nêu rõ việc tiếp tục đổi mới, cải tiến quy trình, cách thức tiến hành kỳ họp - hình thức hoạt động chủ yếu, quan trọng nhất của Quốc hội - là nhân tố quan trọng đóng góp vào quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Dự thảo Nghị quyết được xây dựng nhằm quy tắc hóa những cải tiến, đổi mới trong công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, quy trình, thủ tục xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp đã được thực tiễn kiểm nghiệm; bảo đảm tăng cường tính dân chủ, pháp quyền, tính chuyên nghiệp, chủ động trong hoạt động của Quốc hội; phân định rõ thẩm quyền, đề cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia kỳ họp Quốc hội, tạo thuận lợi cho ĐBQH thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tại kỳ họp.

Với mục tiêu đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH tập trung cho ý kiến về: Quyền tranh luận của ĐBQH; nguyên tắc, tiêu chí tranh luận trong hoạt động chất vấn; tiêu chí, điều kiện để Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp được linh hoạt điều chỉnh, rút ngắn thời gian phát biểu của ĐBQH, mời ĐBQH phát biểu, chất vấn, tranh luận không theo thứ tự đã đăng ký; nội dung, quy trình, thủ tục xây dựng nghị quyết kỳ họp của Quốc hội...

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH chuyên trách tham gia đầy đủ các phiên họp với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và đất nước, thể hiện rõ vai trò cầu nối giữa thực tiễn với lý luận, giữa tâm tư, nguyện vọng của cử tri, Nhân dân với các quyết sách trình Quốc hội xem xét thông qua; tranh thủ tối đa thời gian, cơ hội để nghiên cứu, trao đổi, tranh luận, phản biện với cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nhằm đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, sâu sắc về các dự thảo.

Các ý kiến của các ĐBQH chuyên trách sẽ là cơ sở quan trọng để các cơ quan hữu quan tiếp tục hoàn thiện các dự thảo luật với mục tiêu bảo đảm chất lượng cao nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 4.

Ngay sau bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, hội nghị đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Theo Báo Nhân Dân