Toàn tỉnh hiện có 20 cơ sở GDNN (1 trường cao đẳng nghề, 2 trường trung cấp, 3 trung tâm GDNN - Giáo dục thường xuyên và 5 cơ sở GDNN tư thục) với hơn 400 giáo viên tham gia giảng dạy; quy mô đào tạo trên 8.500 người/năm, hợp tác với DN đạt 100%, số lao động được đào tạo nghề có việc làm đạt trên 85%. Công tác quản lý, tổ chức đào tạo tại các cơ sở GDNN cơ bản được thực hiện tốt, phát triển ổn định, đi vào nền nếp và đảm bảo theo các quy định hiện hành. Đã áp dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy nhằm phát huy tính tích cực của người học, một số cơ sở đã áp dụng mô hình “đào tạo kép” phối hợp chặt chẽ giữa đào tạo tại trường và đào tạo tại DN, thường xuyên mời các chuyên gia từ DN đến cơ sở để chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp cập nhật cho giáo viên và sinh viên các kỹ năng mới, công nghệ mới.
Đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội thảo.
Tham luận tại hội thảo, đa số các đại biểu đều cho rằng trong xu thế hiện nay, việc gắn kết giữa nhà trường với DN là một tất yếu, lấy sự chấp nhận của thị trường lao động là thước đo của hiệu quả GDNN. Thông qua các hoạt động gắn kết GDNN với DN, cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - DN bắt đầu hình thành và vận hành khá tốt trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, han chế như: Chất lượng lao động qua đào tạo nghề tuy có nâng lên, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong tình hình mới, nhất là kỹ năng mềm (yếu kém về ngoại ngữ, khả năng làm việc theo nhóm, chuyên nghiệp, trong môi trường đa văn hóa...); cơ sở đào tạo chưa kịp sự phát triển của xã hội và nhu cầu lao động của DN...
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến phát biểu của đại biểu được chuẩn bị công phu, tâm huyết, trách nhiệm cao. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác gắn kết GDNN giữa cơ sở đào tạo, DN và thị trường lao động trong thời gian tới, đồng chí đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể; cấp ủy và chính quyền các cấp tiếp tục tham mưu UBND tỉnh trong việc xây dựng các giải pháp phù hợp nhằm phát triển công tác GDNN tại địa phương; tăng cường công tác thông tin, dự báo nhằm định hướng công tác đào tạo cho các cơ sở GDNN trên địa bàn; đảm bảo lao động sau đào tạo sẽ được sử dụng hiệu quả và đáp ứng được nhu cầu của lao động kỹ thuật của thị trường lao động và của DN trong tỉnh, ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động. Các cơ sở GDNN chủ động tiếp cận và tìm đến các DN trên địa bàn tỉnh để đề xuất và ký kết các chương trình hợp tác (hợp đồng liên kết đào tạo, hợp đồng đặt hàng đào tạo hoặc các thỏa thuận hợp tác khác...); xây dựng mạng lưới DN đối tác đào tạo và tuyển dụng thường xuyên... Đồng thời, mong muốn các DN tạo thuận lợi hơn nữa cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo có cơ hội tiếp xúc, thể hiện năng lực bản thân và tìm kiếm cơ hội việc làm đúng chuyên ngành đào tạo tại các DN... Phấn đấu đạt chỉ tiêu tuyển mới GDNN bình quân 9.000 người/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt trên 70%.
Xuân Nguyên