Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Nhằm đẩy mạnh ứng dụng, làm chủ và cải tiến công nghệ (CN), nhất là CN cao, CN sạch, thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo ra chuyển biến đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh của hàng hóa, phát triển doanh nghiệp (DN) trở thành trung tâm của đổi mới sáng tạo…; ngày 23-8-2022, đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định số 472/QĐ-UBND ban hành Chương trình ứng dụng, phát triển khoa học, CN và đổi mới sáng tạo của tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo Quyết định vừa được ban hành, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 nhân lực nghiên cứu khoa học và phát triển CN của tỉnh đạt 14 người trên một vạn dân; hệ thống tổ chức khoa học và CN được cơ cấu lại gắn với định hướng ưu tiên phát triển của tỉnh theo hướng tự chủ, liên kết, tiếp cận chuẩn mực quốc gia. Cụ thể, có 150 DN trong tỉnh được hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng khoa học và CN; hỗ trợ 15% DN sản xuất, dịch vụ tiến hành đổi mới CN trong một năm; 2-3 DN làm chủ CN tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm. Có 30% DN được tập huấn, phổ biến kiến thức về năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; số DN được hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng, hàng hóa hằng năm tăng từ 10-15%. Số lượng đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích mới từ 8-10 đơn; đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp mới từ 13-15 đơn; đơn đăng ký nhãn hiệu tăng trung bình 13-15%/năm. Tối thiểu 40% sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP của tỉnh được hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu thông thường; hỗ trợ bảo vệ, khai thác, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP 12 đối tượng; tuyên truyền, tập huấn về sở hữu trí tuệ, quản trị tài sản trí tuệ cho tối thiểu 1.000 lượt người tham gia. Hỗ trợ hình thành 3 câu lạc bộ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; triển khai 3 khóa đào tạo 100 người khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các nhà đầu tư khởi nghiệp tiềm năng; hỗ trợ phát triển 5 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ phát triển 3 DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, công nhận 2 - 3 DN khoa học và CN. Hỗ trợ 100% các DN có nhu cầu tìm kiếm CN, kết nối với đối tác trong nước và ngoài nước hoặc tham gia sàn giao dịch, hội chợ quốc gia.

Nhân viên Chi cục Thú y thực hiện các công đoạn phân tích mẫu. Ảnh: H.Phương

Để thực hiện đạt các chỉ tiêu trên, chương trình đề ra 4 nhóm giải pháp chính, gồm: Nâng cao nhận thức về vai trò của khoa học, CN và đổi mới sáng tạo; Huy động các nguồn lực thực hiện nhiệm vụ khoa học, CN và đổi mới sáng tạo; Xây dựng, thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù; Tổ chức chỉ đạo, quản lý, triển khai. Theo đó, đối với giải pháp nâng cao nhận thức về vai trò của khoa học, CN, nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cấp chính quyền, DN và quần chúng nhân dân về vai trò nòng cốt của khoa học, CN và đổi mới sáng tạo trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung phát triển kinh tế - xã hội theo chiều sâu; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của DN và người dân tham gia phát triển ứng dụng khoa học, CN và đổi mới sáng tạo.

Với giải pháp huy động nguồn lực sẽ hợp tác, liên kết, thu hút để huy động tối đa nguồn lực tổng hợp của mạng lưới các tổ chức khoa học, CN và đổi mới sáng tạo trong tỉnh, ngoài tỉnh và của Trung ương tham gia; đẩy mạnh hoạt động kết nối cung - cầu, cung cấp thông tin; phát triển nguồn nhân lực khoa học và CN chất lượng cao, trang bị cho lực lượng lao động có kỹ năng, kiến thức về CN tiên tiến, thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh thu hút các chuyên gia, nhân lực khoa học và CN trình độ cao làm việc tại các cơ sở khoa học và CN, DN của tỉnh. Đi liền với đó phải đảm bảo kinh phí của tỉnh chi hằng năm cho nhiệm vụ ứng dụng, phát triển khoa học, CN và đổi mới sáng tạo của địa phương đạt từ 0,5 - 1,0% tổng chi thường xuyên và bố trí nâng dần tỷ lệ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học và CN của địa phương đến năm 2025 đạt tỷ lệ 1% tổng chi thường xuyên của tỉnh (theo Nghị quyết của Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra).

Đối với giải pháp xây dựng, thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù, trọng tâm là nghiên cứu các quy định của Trung ương để xây dựng các cơ chế, định mức kinh tế - kỹ thuật phù hợp với điều kiện đặc thù theo thẩm quyền của tỉnh nhằm áp dụng phù hợp, hiệu quả cho quá trình triển khai các nhiệm vụ khoa học, CN và đổi mới sáng tạo. Xây dựng và ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách để đặt hàng nghiên cứu, khuyến khích đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, CN để thực hiện hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ ưu tiên, có tính đặc thù.

Để chỉ đạo, quản lý, triển khai chương trình đạt hiệu quả, UBND tỉnh giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh có liên quan tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình (làm việc theo chế độ kiêm nhiệm), gồm Trưởng ban là lãnh đạo UBND tỉnh; Phó Trưởng ban Thường trực là Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ và các Tổ công tác tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Thuận, Báo Ninh Thuận đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về Chương trình. Các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thành phố; Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện của ngành, đơn vị, địa phương mình; định kỳ hằng năm báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 5-11; đề xuất với UBND tỉnh (thông qua Sở Khoa học và Công nghệ) các nhiệm vụ của ngành, đơn vị, địa phương để tổ chức triển khai thực hiện Chương trình, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để thu hút các DN tham gia thực hiện.