Những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật năm 2020) đã sửa đổi, bổ sung 68 điều của Luật năm 2015. Trong đó, đã sửa đổi, bổ sung 54 điều về nội và 14 điều về kỹ thuật, sau đây là những điểm mới, cơ bản nhất:

1. Tiếp tục khẳng định, làm rõ và sâu sắc hơn cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất, xuyên suốt của Đảng từ Trung ương đến địa phương trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Việc thẩm định, thẩm tra phải bảo đảm “Sự phù hợp của chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản và nội dung dự thảo văn bản với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước”. Trường hợp có sự thay đổi lớn về chính sách nhưng phù hợp với tình hình thực tiễn thì cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản báo cáo, xin ý kiến, chủ trương của Đảng.

2. Luật năm 2020 đã bổ sung, làm rõ quy định về phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Luật năm 2020 quy định rõ thời điểm phản biện xã hội (phải trong giai đoạn tổ chức lấy ý kiến), hình thức phản biện (bằng văn bản độc lập); văn bản được phản biện (chỉ những văn bản liên quan đến quyền và lợi ích của Nhân dân, của Mặt trận); cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm tạo điều kiện để Mặt trận tổ quốc Việt Nam thực hiện việc phản biện xã hội (khoản 2, Điều 1).

3. Bổ sung 2 hình thức văn bản quy phạm pháp luật mới: (1) Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; (2) Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ (khoản 1, Điều 1).

Luật năm 2020 quy định rõ Tổng Kiểm toán nhà nước là một chủ thể có quyền tổng liên tịch với các ngành khác; bộ, cơ quan ngang bộ không được liên tịch với nhau.

4. Mở rộng thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho cấp huyện, cấp xã. Nếu như Luật năm 2015 chỉ cho phép cấp huyện, cấp xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật khi được luật giao thì Luật năm 2020 cho phép cấp huyện, cấp xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật khi được luật, nghị quyết của Quốc hội giao. Ngoài ra, cấp huyện còn được ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện việc phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương (khoản 7, Điều 1).

5. Luật năm 2020 đã bỏ yêu cầu lập đề nghị xây dựng quy trình chính sách đối với Nghị định được quy định tại khoản 2, Điều 19; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tại khoản 2, khoản 3 Điều 27. Tuy không lập đề nghị xây dựng quy trình chính sách nhưng vẫn phải thực hiện báo cáo đánh giá tác động của chính sách để gửi thẩm định, thẩm tra, trình các cơ quan có thẩm quyền.

6. Nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả phối hợp của các cơ quan trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết. Luật năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung 05 nội dung quy định trách nhiệm của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong hoạt động thẩm tra; sửa đổi, bổ sung 04 điều của Luật năm 2015 (Điều 74, 75, 76 và 77) để quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan trong sự phối hợp tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết.

7. Bổ sung mới 3 loại văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn: (1) Ban hành ngay văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; (2) bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội; (3) kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật trong một thời hạn nhất định để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn (khoản 44, Điều 1).

Đối với thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành theo quy định tại khoản 1 Điều 146 của Luật năm 2015 phải xin ý kiến của Bộ Tư pháp trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn.

8. Quy định cụ thể, hợp lý hơn về thời gian, thời hạn gửi hồ sơ, tài liệu; thời hạn đăng tải và đưa tin văn bản quy phạm pháp luật ở trung ương và địa phương. Đây là một trong những điểm mới cơ bản nhất của Luật năm 2020 với những quy định cụ thể sau:

- Tăng thời gian gửi hồ sơ thẩm định dự thảo nghị quyết do UBND cấp tỉnh trình từ 20 ngày lên 25 ngày; tăng thời hạn gửi báo cáo thẩm định từ 10 ngày lên 15 ngày.

- Tăng thời gian gửi hồ sơ thẩm định dự thảo nghị quyết của HĐND cấp huyện từ 10 ngày lên 20 ngày.

- Tăng thời gian gửi hồ sơ thẩm định dự thảo nghị quyết của UBND cấp huyện từ 10 ngày lên 20 ngày; tăng thời hạn gửi báo cáo thẩm định từ 05 ngày lên 15 ngày.

- Văn bản quy phạm pháp luật ở trung ương phải được đăng tải toàn văn trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành.

- Văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương phải được đăng tải toàn văn trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành.

9. Quy định mới về kỹ thuật ban hành một văn bản dùng để sửa đổi nhiều văn bản. Luật năm 2020 quy định 03 trường hợp một văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để đồng thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ nội dung trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật do một cơ quan ban hành, gồm: (1) Để thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; (2) nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ có liên quan chặt chẽ với nhau để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với văn bản mới được ban hành; (3) để thực hiện phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính đã được phê duyệt.

10. Bổ sung trường hợp ngưng hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật. Luật năm 2020 quy định rõ: Để kịp thời bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật quyết định ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của văn bản.

Luật có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2021.