Đẩy mạnh truyền thông bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên năm 2022-2023

Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, cho biết: Ngày 10-8, BHXH Việt Nam ban hành Văn bản số 2180/BHXH-TT về việc đẩy mạnh truyền thông bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên (HSSV) năm học 2022-2023.

Theo đó, nội dung truyền thông tập trung vào ý nghĩa, giá trị nhân văn, nhân đạo, tính chia sẻ cộng đồng của chính sách BHYT nói chung và BHYT HSSV nói riêng. Đồng thời, làm rõ việc tham gia BHYT tuân thủ pháp luật, là quyền và nghĩa vụ của mỗi HSSV. Song song với đó, truyền thông về quyền lợi của HSSV khi tham gia BHYT; quy định Quỹ BHYT trích chuyển kinh phí thực hiện khám, chữa bệnh (KCB) trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV tại nhà trường. HSSV khi tham gia BHYT được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng 30% và ngân sách địa phương hỗ trợ thêm (nếu có). Truyền thông vận động, thuyết phục, cổ vũ các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm làm công tác thiện nguyện trong lĩnh vực BHXH, BHYT tặng thẻ BHYT cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn. Truyền thông ý nghĩa, tiện ích của ứng dụng VssID - BHXH số. Người dân, trong đó có HSSV được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID - BHXH số để KCB thay thế cho thẻ BHYT bằng giấy. Truyền thông việc người giám hộ (cha, mẹ học sinh) có thể cài đặt VssID cho học sinh dưới 15 tuổi chưa được cấp căn cước công dân, sử dụng thẻ BHYT để đi KCB. Truyền thông, vận động để mỗi HSSV là một tuyên truyền viên về BHYT. Truyền thông biểu dương các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT HSSV.

Hình thức truyền thông cũng cần tổ chức đa dạng, phong phú, qua nhiều hình thức. Cụ thể như: Các hội nghị truyền thông, tư vấn, đối thoại truyền thông nhóm nhỏ... kết hợp phát các sản phẩm truyền thông. Thêm vào đó, tăng cường số lượng, tần suất các tuyến tin, bài viết chuyên sâu, bài phỏng vấn, chương trình tọa đàm, clip tin tức, infographic,... trên các kênh truyền thông của các cơ quan thông tấn báo chí, các phương tiện truyền thông của ngành, internet, mạng xã hội... Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng tiếp nhận, hỗ trợ, tư vấn, giải đáp về BHYT HSSV qua các kênh dịch vụ cụ thể. Đó là: Tổng đài hỗ trợ 19009068, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam, Fanpage BHXH Việt Nam và các kênh tiếp nhận, hỗ trợ thông tin khác của ngành. Đơn vị cũng tổ chức hoạt động chăm sóc khách hàng chủ động qua các hội nghị đối thoại, tư vấn, giải đáp về BHYT cho HSSV.

Tính đến hết năm học 2021-2022, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT toàn tỉnh đã đạt 93,6%, trong đó, khối tiểu học đạt 96,5%; khối THCS đạt 92,6%; khối THPT đạt 90,0%; khối trung cấp, cao đẳng đạt 69,5%. Đây một kết quả rất tích cực cho thấy sự thay đổi nhận trong nhận thức về tham gia BHYT của HSSV, các bậc phụ huynh và cơ sở giáo dục. Theo lãnh đạo BHXH tỉnh cho biết: Đó là kết quả từ sự nỗ lực, cố gắng và phối hợp hiệu quả của các ngành: BHXH, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế. Đặc biệt là sự vào cuộc trực tiếp, tích cực, hiệu quả của ban giám hiệu và đội ngũ giáo viên, nhân viên y tế trong các trường học trên địa bàn tỉnh.

Hằng năm, theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh, BHXH Việt Nam, BHXH cấp tỉnh, cấp huyện đều chủ động ký kết chương trình phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo cùng cấp, ban hành kế hoạch phối hợp, thành lập ban chỉ đạo, ban hành công văn liên ngành hướng dẫn tổ chức thực hiện, xây dựng và giao chỉ tiêu phấn đấu cụ thể đến các trường học trên địa bàn và tổ chức sơ kết, đánh giá, đề ra những giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục cũng góp phần nâng cao tầm hiểu biết, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình vận động tham gia BHYT HSSV, tạo hiệu ứng tâm lý xã hội tích cực, thay đổi nhận thức của toàn xã hội đối với chính sách BHYT, thu hút ngày càng nhiều người dân quan tấm đến quyền lợi của việc được tham gia BHYT để bảo vệ bản thân và chia sẻ cộng đồng. Mặt khác, tại các nhà trường, cán bộ quản lý, giáo viên cũng đã có sự thay đổi quan điểm về trách nhiệm phát triển BHYT HSSV, trở thành ý thức trách nhiệm của các thầy, cô giáo, HSSV và sự đồng tình của phụ huynh học sinh.

Số HSSV tham gia BHYT không ngừng tăng qua các năm cho thấy, nhận thức của các bậc phụ huynh và HSSV về quyền lợi, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia BHYT... đã được nâng cao. Bên cạnh đó, trong xu thế quyền lợi KCB về BHYT cho người tham gia ngày càng được mở rộng, chất lượng KCB ngày càng được nâng cao, HSSV cũng được thụ hưởng nhiều lợi ích hơn nữa từ Quỹ BHYT. Nhìn vào kết quả thực hiện công tác KCB BHYT cho HSSV thời gian qua cho thấy, Quỹ BHYT đã chi trả cho rất nhiều bệnh nhân là HSSV mắc các bệnh nan y, mạn tính như suy thận, ung thư, tim mạch... với chi phí điều trị từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Từ thực tiễn công tác đảm bảo quyền lợi KCB BHYT cho HSSV, có thể thấy, thẻ BHYT đã ngày một minh chứng rõ nét về vai trò đảm bảo chăm sóc sức khỏe và các quyền lợi KCB chính đáng của HSSV, tiếp thêm niềm tin, sự an tâm và động lực để các gia đình yên tâm điều trị cho con em mình, giúp các em HSSV không may ốm đau, bệnh tật có cơ hội được KCB, được khỏe mạnh và sớm quay trở lại trường học.

Năm học 2022-2023, trong bối cảnh với dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức do dịch COVID-19, công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHYT HSSV tiếp tục được triển khai quyết liệt với mục tiêu phấn đấu để tất cả HSSV tham gia BHYT và được thụ hưởng các quyền lợi và lợi ích chính đáng từ chính sách BHYT. Để đạt mục tiêu đó, BHXH tỉnh rất cần có sự vào cuộc tích cực, mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự ủng hộ, tin tưởng và đồng hành của các bậc phụ huynh và các em HSSV.