Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78,5 km, tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng do liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty 194 làm chủ đầu tư. Đây là dự án ký hợp đồng BOT sau cùng trong 3 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam, nhưng là dự án đầu tiên thu xếp đủ nguồn vốn và triển khai thành công. Hiện nay, toàn dự án đã huy động 1.800 lao động và hơn 700 đầu máy móc thiết bị phục vụ công tác thi công. Tính đến hết tháng 7-2022, tổng giá trị thực hiện đạt 1.563/ 7.587 tỷ đồng (tương đương 20,6 % khối lượng thực hiện), đảm bảo tiến độ so với kế hoạch đề ra. Cụ thể, phân đoạn Km 92+260-Km 134+000 do Tập đoàn Đèo Cả thực hiện đạt tiến độ 23,13%, trong đó hạng mục hầm Núi Vung đạt tiến độ trung bình khoảng 35%. Phân đoạn Km 54-Km 92+260 do Công ty 194 thực hiện đạt 17% tiến độ.
Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội kiểm tra tiến độ tại dự án hạng mục hầm Núi Vung (Thuận Nam).
Trong quá trình thực hiện dự án, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt mỏ đất đắp và tăng giá nguyên vật liệu, nhưng nhà đầu tư đã chủ động cùng với địa phương tìm các mỏ vật liệu khác thay thế, đến nay cơ bản đảm bảo nguồn cung cấp cho dự án. Đại diện nhà đầu tư cũng đã kiến nghị trung ương xem xét được điều chỉnh giá trong trường hợp chỉ số giá xây dựng thực hiện dự án lớn hơn chỉ số giá để tính dự phòng trong tổng mức đầu tư được duyệt và sẽ được điều chỉnh thời gian thu phí tương ứng; đề nghị bổ sung hạng mục trạm dừng nghỉ, tiếp nhiên liệu kết hợp với điểm kiểm tra kỹ thuật để công tác quản lý vận hành khai thác được an toàn và thông suốt.
Qua khảo sát hiện trường và báo cáo của nhà đầu tư, đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực của nhà đầu tư và các nhà thầu trong quá trình thực hiện dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Mặc dù thời gian qua vật liệu tăng giá bất thường nhưng nhà đầu tư và nhà thầu đã có nhiều biện pháp khắc phục khó khăn để đảm bảo tiến độ thi công. Các nội dung kiến nghị của đơn vị đầu tư, đoàn ghi nhận và sẽ đề nghị các đơn vị có trách nhiệm liên quan xem xét giải quyết.
Anh Tuấn