(NTO) Tuổi xuân đi “gieo chữ” vùng cao
Chúng tôi ngược đường về Ma Nới, xã miền núi xa nhất của huyện Ninh Sơn vào giữa trưa ngày thứ 6 (ngày 13-5). Đến trường THCS Phan Đình Phùng vào 14 giờ chiều, mưa làm trời tối sầm lại. Tập thể cán bộ công nhân viên ở đây có 19 người, trong đó có 13 người là thường xuyên phải ở lại khu nội trú khu mới xây của trường cho đến cuối tuần mới về nhà ở miền dưới. Hầu hết, các thầy cô giáo đều là những người trẻ tuổi trong số họ trẻ nhất mới sinh năm 1988, nhưng đã có “thâm niên” 2 năm trong nghề. Trường có 6 lớp học với 148 học sinh. Trong đó 99% là con em đồng bào dân tộc RagLay. Nhiều em nhà ở xa phải qua nhiều con suối, cánh rừng nên các em mang theo mùng, mền, vật dụng cá nhân và thức ăn ở lại khu nội trú, cuối tuần mới về nhà. Cùng chung cảnh với các thầy, các cô mình.
Qua trong chuyện, chúng tôi mới hiểu thêm các thầy, cô ở đây không chỉ trẻ tuổi mà nhiều người trong số họ có quê ở rất xa như cô giáo Hoàng Thị Hà (1986) và Phạm Thị Oanh (1986) có quê ở Thanh Hóa; Cô giáo Nguyễn Thị Liên (1982) quê ở Nghệ An… Tốt nghiệp sư phạm xong, họ lên Ma Nới lập nghiệp và ở lại đây dạy học suốt mấy năm trời. Cô giáo Liên, tâm sự: “Một năm chỉ được 2 lần về thăm gia đình ở quê vào dịp tết và nghỉ hè. Ở đây tuy miền núi xa xôi nhưng dần rồi quen, cô trò thân thương lắm!”.
Thiếu thốn mọi bề… nhưng vui và yêu nghề
Cơn mưa chiều bất chợt làm các thầy cô vui lắm, kẻ mang thau, người mang chậu… tất cả những gì có thể hứng được nước mưa. “Có lẽ nước mưa là nước sạch nhất ở đây anh ạ! Bình thường mấy thầy phải ra suối chở nước về dùng sinh hoạt cho tất thẩy: ăn uống, giặt giũ, tắm táp…” cô Phạm Thị Oanh vừa lấy nước mưa hứng được vào thùng chứa, vừa nói nói cười cười, có lẽ đây là chuyện thường ở vùng núi non.

Thầy Hồng Khôi trong giờ lên lớp.
Theo chân các thầy ra suối tắm, nước đục ngầu vì cơn mưa to lúc chiều. “Cũng phải tắm thôi! Không lẽ ở vậy!” Thầy Hồng Khôi (1988), giáo viên trẻ tuổi nhất ở đây cười với tôi ra chiều chia sẻ. Nhìn dòng nước đục ngầu mà chạnh lòng, không riêng gì đội ngũ giáo viên nơi đây, gần cả ngàn hộ ở xã Ma Nới này, từ xưa đến nay vẫn phải chịu cảnh ăn suối, tắm suối, giặt suối vì chưa có hệ thống nước sạch. Không chỉ thiếu nước, thức ăn ở đây cũng khó mua. Thứ bảy, chủ nhật, không có người làng mang thức ăn vào xã bán buôn thì mọi người đành phải ăn cơm với cá khô và trứng, rồi chế mì tôm làm canh. Vậy mà họ vẫn hắng say, nhiệt tình với công việc “đưa đò của mình. Ngoài dạy chữ ở trường, thời gian rảnh, buổi tối họ còn đến từng thôn vận động bà con để con em đến lới học chữ; vận động bà con ăn ở vệ sinh, văn hóa, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu… họ trở thành người con của thôn xóm.
“Gắn bó với vùng đất này thôi!”
“Sống ở đây lâu rồi cũng quen anh ạ!” – Xa thì nhớ! Tôi tin vậy. Bởi cảm giác sống với các thầy cô nơi này chan hòa lắm. Học Đại học sư phạm Đà Lạt xong 4 năm, tốt nghiệp và về dạy ở Ma Nới 4 năm nữa. Vậy là đã 8 năm cô giáo Liên xa nhà. Cô giáo nhỏ bé so với học trò lớp 9 vùng cao. Thế mà vẫn nghiêm nghị, được học trò kính trọng, lễ phép, yêu thương. Còn cô Phạm Thị Oanh: “Học trò miền núi ngộ nghĩnh, hiền lắm anh ạ! Thấy các em xúng xính quần áo đồng phục mới, lại ngoan hiền và chịu khó học mình lại thêm yêu nghề hơn”
Sương xuống đã nhiều, chiếc ti vi là thứ tiêu khiển duy nhất của các cô giáo mới được trường mua về vài ngày trước. Bên ly rượu làng vân của cô giáo xứ Thanh, tôi kể cho các thầy cô trẻ nghe câu chuyện về những người giáo viên vùng cao khác trên quê hương Ninh Thuận. Thầy Hồ Hữu Pha, hiệu trưởng trường TH Phước Kháng, huyện Thuận Bắc gắn bó gần 20 năm trời với vùng Phước Kháng từ lúc mới thành lập trường, đến khi vận động từng gia đình một cho con em được đi học để đảm bảo phổ cập tiểu học. Rồi cùng các giáo viên sơn sửa lại trường học, lớp học, bỏ thêm ngày công dạy dỗ các em không tính toan đồng tiền trợ cấp. Xây dựng nhiều mô hình trường học thân thiện, học sinh tích cực, đảm bảo chất lượng giáo dục. Hay Thầy Tài Dá, hiệu trưởng trường THCS Phước Kháng phải vượt trên 25 cây số đến trường dạy học, mỗi tuần về thăm nhà 1 lần. xây dựng thành công mô hình bán trú dân nuôi, cứ mỗi dịp hè lại đưa học trò đi tham quan, du lịch ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết), hay viện Hải dương học (Nha Trang)… tăng cường sinh hoạt nội trú kéo các em đoàn kết lại với nhau, gần gũi và chia sẻ với các thầy cô dễ dàng hơn. Hay thầy Đạo Văn Chi ở trường Phước Trung B, cô Trinh dạy mầm non ở thôn Chà Panh vùng Bác Ái xa xôi ngày ngày đi đi về về, vừa chăm lo gia đình, vừa chắt chiu tình cảm dạy dỗ các em, nuôi lớn kiến thức cho những mầm non của núi rừng.
Còn nhiều và nhiều những tấm gương thầy cô giáo gắn bó với nhiều vùng cao, miền núi trong tỉnh biết hy sinh những riêng tư trong cuộc sống để chăm lo cho sự nghiệp trồng người.
Đức Minh